Multimedia Đọc Báo in

Điều ước cho mùa Vu Lan

16:18, 20/08/2021

Khi những cơn mưa ngâu bắt đầu rả rích, tiết trời vào thu như dấu hiệu một mùa Vu Lan lại về, người Việt ta lại một lòng hướng về tổ tiên. Với các tăng ni phật tử, tháng bảy âm lịch có một đại lễ lớn mang tên Vu Lan báo hiếu.

Thuở thơ bé hay nghe mẹ kể chuyện về tích Vu Lan. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa Mục Kiền Liên là một trong số ít đệ tử xuất chúng của Đức Phật. Vì xót thương cho mẹ mình phải chịu cảnh tội đồ, là quỷ đói trong ngục A Tỳ, khổ đau không thể tả xiết, dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh thời mẹ đã gây nên, nhưng ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ.

Nhưng, do nghiệp quá lớn nên bát cơm bà cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn mẹ ngài được siêu thoát.

Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên, Ðức Phật dạy: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất, nhưng nghiệp chướng của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ.

Ðến ngày rằm tháng bảy, Chư Phật hoan hỉ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng dàng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được”.

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng, chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày Lễ Vu Lan ra đời.

Thật hạnh phúc nếu ai được vinh dự cài bông hoa hồng màu hồng trên ngực áo trong ngày lễ Vu Lan vì vẫn còn có mẹ.
Thật hạnh phúc nếu ai được vinh dự cài bông hoa hồng màu hồng trên ngực áo trong ngày lễ Vu Lan vì vẫn còn có mẹ ở bên đời.

Noi gương hiếu thảo của Mục Kiền Liên, cứ đến ngày rằm tháng bảy hằng năm, các tín đồ, phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày Lễ Vu Lan để báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đây cũng là một tập tục đáng quý của người Việt.

Và cứ vào mỗi dịp Vu Lan, người ta lại cài bông hồng lên áo, để tưởng nhớ cũng như bày tỏ sự biết ơn với đấng sinh thành. Sẽ là tự hào và sung sướng với những ai đang còn mẹ để được cài bông hồng màu hồng và nhắc nhở ta phải cố găng làm mẹ vui lòng khi mẹ còn sống.

Với những phật tử được cài hoa hồng màu trắng chứng tỏ mẹ đã không còn. Khi nhìn hoa màu trắng, phật tử sẽ tưởng nhớ đến cha mẹ mình và làm điều thiện để chia sẻ năng lượng cho đấng sinh thành. Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự Lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư.

Cũng như bao người, với con tháng bảy là tháng để sống thật chậm, dành nhiều thời gian cho mẹ cha. Bỏ qua những bộn bề của cuộc sống, con lại về bên mẹ, chọn cho mẹ bộ quần áo mới hay đơn giản chỉ là luộc một nồi khoai lang thơm lừng nóng hổi, rồi cùng ngồi kể chuyện cuộc sống phố thị của con.

Mẹ hay nói chẳng cần quà cáp của chúng con, vì trong lòng mẹ chỉ cần được nhìn thấy các con khôn lớn trưởng thành và nhớ đến cha mẹ là đã hạnh phúc rồi.

Mùa Vu Lan năm nay, khi đợt sóng dịch COVID-19 lần thứ tư vẫn đang diễn biến phức tạp, có lẽ sẽ chẳng có những buổi dâng hoa, lên chùa cầu an, hay có thể phóng xe chạy về bên mẹ như mọi năm.

Sẽ chỉ là những cuộc gọi video hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ, những món quà nhỏ từ phương xa gửi về. Nhưng trong tâm trí của con và bao người con đất Việt vẫn luôn hướng về đấng sinh thành với những tình cảm chân thành nhất.

Vu Lan đặc biệt này ngoài việc cầu mong cho cha mẹ luôn bình an, khỏe mạnh, thì mong ước đại dịch COVID-19 sớm qua để đường về nhà của những người con xa quê, xa mẹ được gần hơn...

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.