Người đưa tre nứa đến...“hàn lâm”
Có thể nói việc chế tác, sáng tạo các loại nhạc cụ từ tre nứa là không giới hạn. Người thì kế thừa, phát huy vốn nhạc cụ này theo hướng tích hợp, mở rộng khả năng diễn tấu trong mọi không gian, từ buôn làng đến sân khấu hiện đại; kẻ thì đẩy nó đi xa hơn, thoát ly hoàn toàn yếu tố truyền thống để trở thành nhạc cụ “hàn lâm” thật sự.
Nghệ nhân Nguyễn Trường (nguyên giáo viên Khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Văn hóa Đắk Lắk) với cây đàn Viola Tre - Bamboo Viola là một dẫn chứng sinh động và điển hình cho đường hướng sáng tạo này.
“Đàn Viola Tre có thể chế tác nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nguyên liệu để chế tác lại thông dụng, gần gũi nên dễ dàng phổ biến - và chắc chắn nó sẽ có vị trí quan trọng, xứng đáng và độc đáo trong dàn hợp xướng âm nhạc từ tre nứa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên” - Nghệ nhân Nguyễn Trường. |
Anh tâm sự: Kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam vô cùng phong phú. Vùng đồng bằng thì phổ biến những nhạc cụ như sáo, bầu, nhị, nguyệt. Ở Tây Nguyên thì có T’rưng, đing pah, ching Kram, đàn đá, ting ning, đing puôt, đing cle, kipah, đing năm, đing pơng, tạc tà… Riêng về bộ dây, hiện nay chỉ có đàn kơni - tuy nhiên với nhạc cụ này không phong phú về cao độ và nghèo nàn về phương pháp diễn tấu. Để khắc phục hạn chế ấy, anh đã dày công nghiên cứu và sáng tạo nên chiếc đàn Viola từ nguyên liệu tre nứa gần gũi, thân thuộc với đời sống của các tộc người thiểu số tại chỗ.
Về mặt hình thức, nhạc cụ trên rất mới lạ so với các nhạc cụ trong dàn nhạc dân gian được chế tác bằng chất liệu tre nứa như đã nêu. Song, hiệu quả mang lại từ (âm thanh đồng chất tre nứa) này đã được nghệ nhân Nguyễn Trường đẩy đi xa hơn, chạm đến biên độ âm nhạc hiện đại và “hàn lâm” như Violin và Violon Cello của phương Tây. Theo nghệ nhân này, nó cũng là một loại nhạc cụ “cùng họ” với Violin, hay nói theo cách đơn giản nó là đàn Violin được phóng to hơn để tạo nên một số nốt trầm hơn mà Violin không thể thực hiện được. Các thủ pháp biểu diễn tương tự như Violin, nhưng thế bấm của tay trái với rộng hơn nên tiếng đàn của Viola Tre trầm ấm và sâu lắng nhờ được thoát âm từ ống tre già mộc mạc.
Nghệ nhân Nguyễn Trường (bên trái) và nhạc sĩ Nguyễn Cường với chiếc đàn Viola Tre. |
Nhạc cụ Viola Tre có thể sử dụng để độc tấu, hòa tấu với đầy đủ tính năng của một nhạc cụ phương Tây, đáp ứng nhu cầu của những người đam mê âm nhạc dân gian, cổ điển lẫn hiện đại. Khi diễn tấu Viola Tre, người chơi thỏa sức biến tấu, phô trương kỹ thuật và kỹ xảo để thể hiện được giai điệu (thuộc âm vực trầm) nhẹ nhàng và tinh tế mà trước đây chưa có nhạc cụ tre nứa truyền thống nào trên vùng đất Tây Nguyên có thể diễn tả được.
Nghệ nhân Nguyễn Trường chia sẻ thêm: Về sắc thái, trường độ và âm vực thì với sáng tạo này đã giải quyết được âm trầm ngân kéo dài trong các tác phẩm âm nhạc truyền thống, không như các nhạc cụ tre nứa khác phải sử dụng kỹ thuật tremolo vẫn có độ ngắt quãng, không liền âm được như Viola Tre nhờ tiếng rung (vibrato) của nó ngân vang trên mọi trường độ, cao độ khi diễn tấu. Nhạc sĩ Nguyễn Cường nhận xét: Với sáng tạo này, chiếc đàn “Violin Tây Nguyên” ấy đã làm phong phú, đa dạng thêm mọi cung bậc của âm thanh trong đời sống - từ dân gian đến hàn lâm, bác học.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc