Multimedia Đọc Báo in

Tìm ngày xưa, dưới chân mình

07:27, 29/08/2021

Đã khá lâu rồi tôi mới lại đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên. Đó là một buổi trưa thinh vắng, một mình, giữa bình nguyên nho nhỏ bên dòng sông Ba ở An Khê (Gia Lai).

Thinh vắng đến độ có thể nghe được tiếng cựa mình của những mầm lá cỏ voi, của từng gốc sim mua, tiếng reo vẫy xao xuyến bất tận trên bầu trời của những chiếc lá cây Kơnia trăm tuổi đứng như người khổng lồ đơn độc.

Tôi biết mình đang đứng tại một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người. Các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới vừa xác định chính tại nơi bình nguyên này dấu tích của “người đứng thẳng” (homo erectus) cách nay từ 800 nghìn đến 1 triệu năm thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, thông qua hơn hai chục di chỉ, với khoảng 4.000 công cụ đá, đặc biệt là những chiếc rìu đá.

Đó là bằng chứng chân xác về di tồn văn hóa của người tối cổ thuộc giai đoạn bình minh của lịch sử nhân loại. Thử hình dung, nơi chốn cổ xưa nhất của người Việt lâu nay được biết đến là núi Đọ (Thanh Hóa), Bình Gia (Lạng Sơn) nhưng cũng chỉ có niên đại dưới 300 nghìn năm. Với phát hiện mới tại Rộc Tưng (An Khê), lịch sử tiến hóa của người Việt cũng như cư dân Đông Nam Á được đẩy ngược về quá khứ lên tới cả triệu năm. Con người xuất hiện lúc nào thì lịch sử được bắt đầu từ đó.

Đọc trong cuốn “Spaiens – Lược sử loài người” của Yuval Noah Harari, thấy hiện lên một đời sống thanh bình của người tối cổ. Đó là dưới những cánh rừng ở Đông Phi xa xôi chừng 2 triệu năm trước, khi loài “người đứng thẳng” vừa thoát khỏi loài vượn.

Toàn thể trái đất lúc đó có khoảng vài chục nghìn “người đứng thẳng”, chỉ bằng khán giả trên khán đài một trận bóng đá bây giờ. Và rồi họ bắt đầu di chuyển ra khắp nơi trên hành tinh này, với tốc độ 16 km một năm, hành trình để họ đến đặt chân đến được mảnh đất tôi đang đứng đây mất khoảng 2.500 năm!

Không cần lãng mạn, tôi vẫn hình dung về một nhóm những “người đứng thẳng” cổ xưa ấy một sớm mai rời khỏi những căn lều lá cây bên thung lũng sông Ba mang theo chiếc rìu đá cuội cất những bước thám hiểm về hướng Nam thuộc địa giới Đắk Lắk hiện nay. Thời mà chưa hề có bất cứ khái niệm “địa giới hành chính” nào...  

*

Trưng bày các hiện vật khai quật tại di chỉ khảo cổ học tại thôn 2, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông). Ảnh: Khả Lê

Từ lâu, các nhà khoa học đã chứng minh Đắk Lắk là một vùng đất cổ. Tôi đọc thấy nhiều thông tin về việc phát hiện nhiều dấu vết của thời đồ đá cũ cách đây hàng vạn năm. Những công cụ lao động bằng đá thời tiền sử khi loài người còn săn bắt hái lượm, như rìu đá, bôn, mảnh tước, hòn nghiền, bàn mài… được phát hiện tại hơn ba chục địa điểm khảo cổ của tỉnh. Từ những di chỉ ngay tại TP. Buôn Ma Thuột như ở các xã Cư Êbur, Ea Kao đến Cư M’gar, Krông Pắc, Ea Kar… và mới đây tại Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắk, Ea H’leo…

Nhớ lần đến Ea H’leo cách đây 32 năm, kỷ niệm đã lâu mà không thể phai nhạt, ám luôn vào tâm thức đứa trai hai mươi tuổi lần đầu tiên được đặt chân đến chốn núi rừng, đó là nỗi “nhớ rừng”. Như tiền kiếp gọi về.  

Sau này đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, bỗng chờn chợn khi thấy ông kể về những tiếng hú văng vẳng nơi truông rừng những đêm theo cánh quân tiến về Buôn Ma Thuột. Viết rằng “người ta ngờ rằng ấy là tiếng hú gọi đàn của bầy vượn người thái cổ cuối cùng trên hành tinh mà sự tồn tại của các tổ tiên này ở Tây Nguyên đã từng được đồn đại từ nhiều năm trước”. Có phải đó chỉ là lời “đồn đại”, hay kiến thức nhân chủng học uyên sâu của ông nhà văn áo lính? 

Tây Nguyên từ ấy không chỉ đánh thức trong tôi nỗi “nhớ rừng”, mà còn cho tôi những bài học về “đi”. Đi trong tâm tưởng lẫn ngoài đời. Đi tìm những vẻ đẹp đời sống mang dáng vóc nguyên thủy xa xưa xung quanh mình.

Nhớ người xưa, ngày xưa, dưới chân mình…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.