Bảo tồn, phát huy vốn di sản kiến trúc Buôn Ma Thuột (Kỳ 1)
Sở hữu vốn di sản kiến trúc hết sức đặc thù và giàu bản sắc, Buôn Ma Thuột có tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển thành một thành phố hiện đại, kết hợp hài hòa với truyền thống, tạo nên diện mạo riêng và vô cùng độc đáo trong hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay.
Kỳ 1: Từ góc nhìn hiện hữu
Trải qua gần 120 năm, kể từ khi Trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk ở vùng đất Buôn Đôn chuyển về buôn của tù trưởng Ama Thuột vào năm 1904 đến nay, đô thị này luôn định hướng mục tiêu phát triển dựa trên những yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử và nhân văn đặc thù.
Nhờ vậy, theo thời gian, định hướng phát triển trên luôn được quan tâm, chú trọng nên diện mạo đô thị Buôn Ma Thuột vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Chú trọng tổ chức không gian đô thị
Diện mạo bao trùm và dễ thấy nhất ở TP. Buôn Ma Thuột là những không gian xanh được cộng đồng người bản xứ kiến tạo nên hơn trăm năm trước.
Trong không gian ấy, gồm rừng tự nhiên, sông suối, bến nước… là những sinh thể quan trọng, độc đáo để hợp thành các buôn làng (đơn vị hành chính duy nhất và độc lập vào những thập niên đầu thế kỷ 20) để mỗi cộng đồng tại chỗ duy trì sự sống vốn gắn bó mật thiết với thiên nhiên.
Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Ban Chấp hành Hội KTS Việt Nam cho biết, chính trên nền tảng này mà trong quá trình đô thị hóa ở đây - từ trước đến nay đã giúp các cơ quan hoạch định chính sách dễ dàng tổ chức không gian đô thị mang tính chất miền núi đặc trưng cho Buôn Ma Thuột. Có nghĩa là những không gian xanh nói trên luôn được tôn trọng, gìn giữ như báu vật để từ đó từng bước xác lập bản sắc cho đô thị này trong quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai.
Nhà dài của người Êđê là vốn kiến trúc quý báu của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng |
Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc tổ chức không gian kiến trúc ở TP. Buôn Ma Thuột qua nhiều giai đoạn lịch sử đều dựa vào yếu tố địa lý, văn hóa, lịch sử và nhân văn đặc thù ấy.
Điều đó được tuân thủ và thể hiện rõ ngay từ khi đô thị này đóng vai trò Trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk vào năm 1904 với đồ án quy hoạch tổng thể cho Buôn Ma Thuột do Công sứ Sabatier hoạch định.
Theo đồ án, vị công sứ này hết sức chú trọng đến những “yếu tố xanh” vốn có trong quá trình tổ chức không gian kiến trúc cho đô thị miền núi này.
Những cánh rừng, dòng suối, ao hồ tự nhiên gắn với buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ được xem là vốn di sản kiến trúc độc đáo và giàu có để khai thác, xây dựng và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột một cách xuyên suốt, có chủ đích rõ ràng.
Thành phố “xanh”
Theo KTS Diêu Quang Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk, nhờ tuân thủ ý tưởng ấy nên Buôn Ma Thuột còn giữ lại được di sản kiến trúc như ngày nay, và buôn trong phố đã trở thành nét đặc trưng của đô thị miền núi này.
Hàng chục buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống dọc theo các con suối như Ea Tam, Ea Nuôl, Ekô Dhông, Ea Nao, Ea Tul… được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, từ rừng đầu nguồn, bến nước cho đến nhà dài.
Đây là di sản kiến trúc mà không phải đô thị nào cũng sở hữu được, nếu quan tâm khai thác hợp lý di sản ấy sẽ tạo nên gương mặt rất riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột. Hơn thế, để kế thừa và phát huy di sản kiến trúc ở đô thị này, cần phải có đánh giá nghiêm túc về hiện trạng các buôn làng.
Trong đó phải phân loại và đề xuất được các buôn làng, công trình công cộng trên địa bàn để bảo tồn, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng cũng như hình thái kiến trúc phù hợp với quá trình đô thị hóa Buôn Ma Thuột hiện nay.
Khuôn viên Biệt điện Bảo Đại với cây xanh, kiến trúc mô phỏng nhà dài. |
Tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị Buôn Ma Thuột” được tổ chức vào đầu tháng 3-2017, TS. KTS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng) gợi mở: Buôn Ma Thuột có đầy đủ điều kiện, tiềm năng phát triển thành một đô thị xanh theo đúng nghĩa với quỹ đất xanh dồi dào và nền kinh tế xanh gắn với nông - lâm nghiệp.
KTS Diêu Quang Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Kiến trúc sư Đắk Lắk
|
Về xanh cảnh quan, đô thị này có hệ thống suối, hồ, rừng, vườn khá lý tưởng. Đó là những yếu tố cần được nhận diện là những vùng sinh thái đặc biệt để có thể xây Buôn Ma Thuột trở thành đô thị độc đáo, mang bản sắc riêng.
Về xanh kinh tế, thế mạnh của Buôn Ma Thuột là công nghiệp chế biến và dịch vụ gắn với nông - lâm nghiệp. Con đường phát triển công nghiệp và dịch vụ dựa trên sự duy trì và phát triển lợi thế này.
Kinh tế nông - lâm nghiệp trong tương lai phải được đầu tư theo hướng không phải mở rộng sản xuất mà là hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ gắn với nông - lâm nghiệp như các tour du lịch gắn với hoạt động tham quan vườn cà phê, cắm trại trong rừng, trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ…
Có thể nói, vùng sinh thái xanh trong lòng thành phố này gắn kết với nền kinh tế xanh bao bọc, cùng với bản sắc văn hóa, kiến trúc đặc trưng sẽ tạo ra một Buôn Ma Thuột độc đáo, mang đậm bản sắc riêng.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Xác lập bản sắc đô thị
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc