Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân ưu tú của buôn làng

07:31, 12/09/2021

Nghệ nhân Y Dlong Êban (thường gọi là Ama Yang) ở buôn Cư Păm xã Dang Kang (huyện Krông Bông) năm nay đã 75 tuổi nhưng đôi tay vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Ông là một trong số những người hiếm hoi ở buôn làng thành thạo việc chế tác và chơi các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Êđê.

Từ nhỏ, Y Dlong đã say mê tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng sáo trong những lễ hội của buôn làng. Trong ký ức của ông, lễ mừng nhà mới, mừng lúa mới, hay lễ bỏ mả, những đêm dài nghe kể khan… đều không thể vắng âm thanh của các nhạc cụ truyền thống. Mỗi khi buôn làng tổ chức lễ hội gì, ông đều say sưa xem đánh cồng, đánh chiêng, diễn tấu các loại nhạc cụ từ ông cha mình. Đến khi 10 tuổi, Y Dlong đã mày mò học và biết chơi những nhạc cụ truyền thống như: chiêng kram, đing năm, đing puốt, đàn Gông, Tak-ta…; khi đã sử dụng thành thục thì ông lại mày mò cách chế tác. Ông nghe các cụ già chơi nhạc cụ một cách kỹ lưỡng, sau đó nghiên cứu từng đặc điểm, âm thanh, cấu tạo của mỗi loại nhạc cụ rồi bắt tay vào chế tác.

Nghệ nhân Ama Yang và các loại nhạc cụ tự chế tác.

Ama Yang cho biết, muốn chế tác nhạc cụ phải có niềm đam mê thực thụ và hiểu sâu về âm thanh, đặc tính của nhạc cụ đó cũng như nguyên liệu, cách làm và phải thật kiên trì mới làm ra một nhạc cụ với âm thanh ưng ý. Nguyên liệu chủ yếu dùng chế tác nhạc cụ truyền thống của người Êđê thường là ống nứa, quả bầu... Ống nứa phải lấy loại không quá già và cũng không quá non; quả bầu phải là giống bầu truyền thống do bà con trong buôn tự trồng và chọn những quả bầu có độ to, độ già vừa đủ và được để khô tự nhiên. Những nhạc cụ do Ama Yang làm ra đều có âm thanh trầm bổng rất hay, âm điệu trầm lắng nhưng vang xa khắp buôn làng, khắp trên nương rẫy.

Ama Yang tâm sự: “Tôi đã cảm nhận được âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc Êđê mình từ khi còn đang nằm trên lưng mẹ và cho tới bây giờ. Nhưng điều tôi lo lắng nhất bây giờ là con cháu mình không ai có chung niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của ông cha cả, chúng chỉ thích nhạc hiện đại, nhạc điện tử thôi… Tôi luôn mong ước thế hệ trẻ sẽ biết kế thừa và lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để tiếng cồng, chiêng mãi ngân vang giữa buôn làng”.

Không chỉ chế tác và chơi các loại nhạc cụ, Ama Yang còn biết đánh chiêng mỗi khi trong buôn có lễ hội... Ông luôn nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, tham gia các hội thi diễn tấu nhạc cụ do huyện, tỉnh tổ chức. Năm 2019, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân ưu tú’’ vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

H’Diăk


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.