Multimedia Đọc Báo in

Lần bước "Tây Tiến" theo nhà thơ Quang Dũng

17:02, 26/10/2021

Tháng 10 gắn với Hà Nội, và tháng 10 cũng gắn với một hồn thơ đã tạc nên một chân dung Hà Nội trong thi ca, lãng mạn và lẫm liệt: nhà thơ Quang Dũng!

Thế hệ chúng tôi nay ở vào cái tuổi ngoài 50; nghĩa là hơn 30 năm trước, khi mới tầm 20, bắt đầu biết yêu mến thi ca, chúng tôi đã chép những bài thơ đầu tiên của Quang Dũng. Và những “Tây Tiến”, “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”, “Quán ven đường”… không biết từ bao giờ nằm lòng trong tâm trí, nuôi nấng trong tôi giấc mơ về những chàng trai hào hoa kiêu bạc, biết dấn thân đền nợ nước, đối diện với súng gươm nhưng lòng vẫn mơ dáng “Kiều thơm” bên trời Hà Nội.

Khu lưu niệm trung đoàn Tây Tiến.

Hình ảnh người lính của những năm kháng Pháp được lưu dấu rất nhiều trong thi ca. Nếu bài thơ “Đồng chí” là một tác phẩm bất hủ về những người nông dân mặc áo lính, ra đi từ làng “quê hương anh nước mặn đồng chua/làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” thì trong đoàn quân Trung đoàn 52 “Tây Tiến”, rất nhiều chiến binh là trai tráng thủ đô, những người lính “rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”.

Như một ám ảnh đi thẳng từ câu thơ vào “đóng tổ” trong buồng tim, trong tâm thức, từ đứa học trò yêu thơ Quang Dũng năm xưa tới một gã lữ hành đầu bạc hôm nay, giữa hai cái mốc đó là bao nhiêu lần đi đi về về với miền tây Thanh Hóa, lang thang qua những cung đường đẹp miên man giữa mây, giữa núi từ Quan Hóa lên Mường Lát, đã bao bận say chuếnh choáng, bao nhiêu đêm ở bản Lát – Mai Châu với điệu xòe lao xao ký ức, đã rưng rưng trước mái trường của những em bé nơi xã Mường Lý, một ngôi trường có tên là Tây Tiến mà cái cổng trường dựng vào thế kỷ 21 này vẫn ngỡ như sót lại từ đầu thế kỷ 20. Ôi, Tây Tiến thuở nào đây, những cha anh đã lên đường buổi ấy đến nay đã non thế kỷ.

Biên giới huyện Mường Lát của Thanh Hóa giáp với huyện Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn đất bạn Lào. Xưa kia đoàn quân Tây Tiến đã “xuyên biên ải” từ chính con đường này với những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” mà dặm trường hành quân của đoàn quân “không mọc tóc” ngày xưa vẫn chưa dừng lại ở nơi này, bởi vùng đất nằm trong câu thơ cuối cùng lại bên kia biên giới phía bạn Lào: “Hồn về Sầm Nưa chẳng về xuôi”. Ừ, đã mê hành trình Tây Tiến thì ráng đi cho trọn một bài thơ…

Một góc thị xã Sầm Nưa từng lưu dấu trong Tây Tiến.

Xong xuôi công việc ở Mường Lát, chúng tôi ngược lên những dốc đèo của Mường Chanh, Tén Tằn, Quang Chiểu… để sang đất bạn Lào. Hệ thống giao thông kể từ thuở đoàn quân Tây Tiến đi qua đây hẳn đã đổi thay nhiều, đường ô tô đã mở xuyên qua biên giới, nhưng bên ngoài cửa kính xe vẫn ngợp trắng những “cồn mây” lãng đãng trên thung núi xa.

Đến biên giới Việt – Lào lúc chiều tà, con đường từ trạm kiểm soát biên phòng đi qua huyện Viêng Xay của tỉnh Hủa Phăn gợi cho chúng tôi một cảm giác rất... “Tây Tiến”. Thị xã Sầm Nưa hôm nay không còn hoang dã hút sâu như câu thơ kiêu bạc thuở nào của Quang Dũng, nơi bao nhiêu người lính của đoàn quân Tây Tiến đã nằm lại. Những công trình mới mọc lên hai bên bờ sông Nậm Xam vừa đủ sầm uất mà không ồn ào. 

Hôm rời đất Lào về lại Việt Nam, chúng tôi về Mộc Châu. Nhớ tới Trung đoàn 52, nhớ tới Quang Dũng, nhớ tới những chàng trai Hà Nội hào hoa ngày ấy không thể không ghé nơi đây: Khu lâm viên lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Những kỷ vật của Trung đoàn được trưng bày ở đây không còn nhiều nhưng vẫn khiến ta xúc động. Nhất là chân dung những người lính Trung đoàn qua nước ảnh ố màu thời gian. Những văn nghệ sĩ với tác phẩm và chân dung trong gian trưng bày “Tài hoa Tây Tiến”. Sau gần ¾ thế kỷ, những cựu binh năm xưa đã không nhiều người còn lại. Nhưng  khu lâm viên tưởng nhớ Tây Tiến mỗi ngày vẫn đón nhiều người đến và tưởng nhớ.

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.