Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong phục hồi và phát triển du lịch

06:55, 28/12/2021

Trong Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 25/12, các đại biểu tham dự đã bàn luận, đề xuất nhiều ý kiến xoay quanh việc đưa du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch, trong đó vấn đề bảo đảm an toàn dịch bệnh được đặt lên hàng đầu.

Tham dự hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế đã trao đổi, đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến ngành du lịch; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam giai đoạn hiện nay. Đồng thời đưa ra nhận định về xu hướng du lịch mới, từ đó có định hướng và giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hát then, đàn tính, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là một nguồn tài nguyên du lịch quý giá.

Theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng khó triển khai khiến toàn bộ chuỗi hoạt động du lịch ngưng trệ, lao đao.

 

“Trước mắt phải thực hiện thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn, trước mắt là khẩn trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Đến nay, dịch bệnh đang được kiểm soát, ngành du lịch tại nhiều quốc gia cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi, trong đó có Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động và hiện tại đang triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai, ngành du lịch bắt đầu tái khởi động với các chương trình du lịch nội địa, thí điểm chương trình “Hộ chiếu vắc xin” .

Trong bối cảnh đó, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị cũng như giải pháp để có thể đưa du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển: Trước mắt, tập trung vào công tác khắc phục hậu quả và phục hồi hoạt động sau đại dịch như khuyến khích du lịch nội địa ngay dịp Tết và đầu năm 2022, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; mở rộng "Hộ chiếu vắc xin"; thu hút lao động ngành du lịch trở lại làm việc; triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết kế sản phẩm du lịch phù hợp, đa dạng, khai thác tối đa ưu thế đặc thù du lịch văn hóa Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá và tăng cường liên kết… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch.

Nghề dệt truyền thống của người Êđê rất có sức hút với du khách trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế.

Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phục hồi hoạt động du lịch bảo đảm các điều kiện an toàn COVID-19 trong tình hình mới. Kế hoạch này nhằm triển khai kịp thời các chương trình, biện pháp bảo đảm các điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch một cách nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả, qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi các dịch vụ lưu trú, khu, điểm du lịch, lữ hành, vận tải khách du lịch, mua sắm du lịch, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và người dân địa phương trong tình hình mới.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.