Multimedia Đọc Báo in

Không gian tâm linh: Bài toán khó của quy hoạch đô thị!

15:21, 05/12/2021

Người Việt Nam với gốc rễ văn hóa phương Đông luôn chú trọng tâm linh, việc thờ cúng không thể thiếu trong cuộc sống mỗi gia đình.

Đây thực sự là điểm khúc mắc ở các đô thị mới, khi mọi dự án đầu tư phát triển ngày càng theo hướng hiện đại, có nhịp sống hối hả và cần tiện nghi hơn. Đặc biệt với những đô thị mới xây dựng, ở các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Buôn Ma Thuột, câu hỏi làm sao giải quyết hài hòa quan hệ giữa không gian tâm linh, tĩnh lặng, với không gian sinh hoạt, tiện ích hiện đại, thực sự rất cần được các nhà quy hoạch và đầu tư quan tâm.

Chen chúc… giữa đô thị?

Anh D., một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam tại Huế chia sẻ, khi đi giữa không gian đô thị các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, điều khiến anh nghĩ suy nhiều chính là… các không gian tâm linh, thờ cúng, bái vọng của các gia đình thị dân đô thị phải “chen chúc” để tồn tại. Thực tế này xuất phát từ mâu thuẫn hành vi và suy nghĩ của cộng đồng, khi một bên mong muốn những giá trị, tiện ích sinh hoạt ngày càng hiện đại và một bên cố gắng lưu giữ những hoạt động tâm linh, tinh thần thuần túy với hướng tôn trọng quá khứ, hình ảnh tổ tiên…

Khi chọn mua một căn hộ, người ta có xu hướng chỉ quan tâm phòng ngủ, phòng khách, nhà ăn… và hài lòng với lối bố trí cách tân, hiện đại, đậm phong cách Âu, Mỹ. Song khi đi vào sinh hoạt, không ít chủ nhà lúng túng, tìm cách cơi nới, lắp đặt các trang thờ, tủ thờ tự gia tiên, cha mẹ… làm sao để tiện bái lạy. Không hiếm căn hộ thương mại lắp đặt hệ thống báo cháy đã khiến chủ nhà mệt mỏi khi muốn đặt một bát nhang trên nóc tủ…

Trong căn hộ đã vậy, ngoài đường phố đô thị, việc hiện hữu những thiết bị, hạng mục hỗ trợ cho không gian tâm linh càng khó khăn hơn. Có thể nói, đến nay, Hà Nội là đô thị quy mô lớn duy nhất có những cách bố trí ưu tiên cho không gian tâm linh của cư dân. Ngay dưới chân nhiều cao ốc, các tòa nhà thương mại, chung cư, người ta dễ dàng bắt gặp những “khám” thờ đốt giấy, hóa vàng, những lư hương, đỉnh hạc lớn để hỗ trợ người dân thắp đèn, thỉnh nhang khói… Song, ngay những sắp đặt này cũng có sự bất tiện, như phải đặt cạnh các… cống thoát nước, bãi tập kết chất thải hay phế liệu xây dựng tồn trữ nào đó. Một số khu chung cư cao cấp còn bố trí các vạc đồng đốt giấy thắp nhang giữa… tiểu cảnh công viên, vừa dễ gây nhầm lẫn giá trị vừa bất tiện cho người dân thực hiện các nghi lễ cần thiết…

Theo anh D., thực trạng “chen chúc” này là không thể tránh khỏi giữa lòng các đô thị “đất chật người đông”, khiến các không gian tâm linh càng trở nên chật hẹp trước nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân. Có điều, không gian tâm linh đâu chỉ có dừng ở các tín ngưỡng hay công trình thờ cúng. Những hạng mục công cộng khác ở các khu đô thị, như các nhà sinh hoạt cộng đồng có thể xếp đặt thành khu tang lễ của gia đình cư dân, hay các tiểu công viên nơi người dân có thể thực hành các nghi lễ dịp tiết lễ như lễ hội Nghinh xuân, cúng tất niên, giao thừa… luôn ít được quan tâm đặt ra tại các khu đô thị giữa những thành phố lớn.

Trong quy hoạch đô thị, cần thiết phải bố trí các tiểu cảnh, công viên với các hạng mục, công trình mang tính chất tâm linh kết hợp nghệ thuật thẩm mỹ và văn hóa truyền thống. Ảnh minh họa: Hoàng Gia

Cần thiết chế quy hoạch hoàn hảo

Từ thực tế đó, gần đây nhiều dự án đầu tư các khu đô thị mới, nhất là các dự án khu dân cư, các chủ đầu tư và các nhà thiết kế quy hoạch đã chú ý bố trí những không gian tâm linh phù hợp. Các nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cần được đầu tư bài bản ngay từ khi các dự án khu đô thị khởi động, để bảo đảm những không gian sinh hoạt cần thiết về sau khi cư dân phát sinh những nhu cầu lễ tiết, thờ phụng hay ma chay, cưới hỏi. Có một số chủ đầu tư các dự án chung cư cao tầng, nhà phố liền kế cũng đưa ra các bản vẽ bố trí phòng ốc sinh hoạt cho cư dân, có phần phòng thờ cho các gia chủ tiện sinh hoạt, đặc biệt phục vụ các nhu cầu tôn giáo tại gia.

Định hướng xa hơn, phải chăng các tiểu cảnh, công viên, những khu sinh hoạt công cộng, cũng cần có cách đặt vấn đề cho các hạng mục, công trình mang tính chất tâm linh kết hợp nghệ thuật thẩm mỹ và văn hóa truyền thống, như các biểu tượng văn hóa, các tượng danh nhân, tượng các tông môn địa phương hóa, hay tượng thờ thần thánh bản địa?

Một nhà nghiên cứu văn hóa tại Buôn Ma Thuột tâm tư, vùng cao nguyên là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em chung sống bao đời nay, nên sự hình thành các khu đô thị mới cũng đồng nghĩa với các nhóm nhỏ quần cư các gia đình, thân tộc anh em. Tại các khu đô thị mới càng quy tụ nhiều người dân bản địa, vấn đề không gian tâm linh như vậy lại càng cần được bổ túc, nếu cần thiết phải có một thiết chế quy hoạch hoàn hảo.

Có vậy, các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa… mới có thể được chú ý giữ gìn và bảo tồn phát huy hiệu quả, đúng tinh thần duy trì, giữ gìn đa dạng bản sắc văn hóa vùng đại ngàn Tây Nguyên. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng có nhiều biến cải phức tạp, tâm lý đạo đức xã hội có thể bị xuống cấp thì sự chung tay, tạo dựng những nền tảng, duy trì huyết mạch tinh thần, không gian tâm linh xã hội, cũng là một giải pháp cần triển khai hiệu quả để bảo vệ bền vững nền văn hóa Việt Nam.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc