Multimedia Đọc Báo in

Cuối năm ngồi nhớ quê xa...

06:11, 27/01/2022

Hơn ba mươi năm làm cư dân chốn thị thành nhưng tôi chưa hề nghĩ mình là dân thành thị. Bởi vì, tận trong thẳm sâu tâm tưởng, tôi vẫn cứ ngỡ mình là chàng trai trẻ vừa rời lũy tre làng…

Ngày mới đặt chân lên cao nguyên, tôi như lạc vào một miền đất lạ với bao ngỡ ngàng. Suốt bao nhiêu năm sống ở đồng bằng, tôi vốn quen với con đường làng rợp bóng tre xanh, với dòng sông quê như dải lụa mềm hiền hòa chảy về phía biển. Mỗi ngày, hiện ra trước mắt tôi là cánh đồng dập dờn sóng lúa với những bóng cò trắng khoan thai chấp chới bay về giữa tím thẫm hoàng hôn miền thôn dã…

Hồi đó, tôi chỉ biết đến vùng đất với núi non điệp trùng hùng vĩ này qua bộ truyện nổi tiếng “Thú rừng Tây Nguyên” của nhà văn Thiên Lương - người mà giờ đây đã về cõi vĩnh hằng. Ông là nhà văn từng một thời mang áo lính, từng ôm bộc phá đánh đồi A1 năm xưa trong chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau này, khi đã định cư ở mảnh đất cao nguyên nắng gió, tình cờ tôi lại sống gần nhà ông và đã có đôi lần hạnh ngộ được ngồi trò chuyện, đàm đạo cùng ông về văn chương, báo chí.

Minh họa: Trà My

Cách đây hơn ba mươi năm, Buôn Ma Thuột vẫn còn là một thị xã nhỏ, mà nói theo ngôn ngữ thi ca là “nhỏ như bàn tay con gái”. Chỉ đạp xe đi loanh quanh một hồi là lại quay về Ngã Sáu. Ngày đó, bao quanh thị xã cao nguyên bình lặng là vườn rẫy cà phê xanh tươi và những cánh rừng cao su bạt ngàn. Từ trung tâm nội thị đi bộ chừng mười lăm, hai mươi phút sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều con đường đất đỏ quanh co, hai bên là hàng cây muồng cổ thụ tỏa bóng rợp mát và ven vệ đường là những thảm hoa dã quỳ vàng đẹp đến nao lòng… Tiếc rằng, trước “cơn lốc” đô thị hóa, những hình ảnh thơ mộng ấy giờ đây chỉ còn trong ký ức.

Trong những kỷ niệm của một thời trai trẻ ở miền đất Tây Nguyên này, tôi nhớ mãi cái lần tiễn anh bạn đồng hương Quảng Trị về quê đón Tết. Bạn đi rồi, tôi thẫn thờ đứng giữa bến xe vắng lặng chiều cuối năm. Lúc ấy, tôi bỗng ước được hóa thành cánh chim trời để tung bay về chốn quê nhà có mẹ già và đàn em nhỏ đang ngóng đợi mình về… Tôi cũng nhớ hoài một buổi chiều lập đông cách nay hơn hai mươi lăm năm, khi đang đứng chuyện trò với mấy anh bạn đồng nghiệp ở sân tòa soạn thì có ba đứa trẻ đến mời mua báo. Một cô bé đưa ra xấp báo và nói: “Các chú mua giùm con mấy tờ báo. Tụi con là tổ bán báo xa mẹ!”. Nghe thế, vừa mua báo, một anh bạn của tôi vừa nói đùa: “Bọn chú cũng là tổ làm báo xa mẹ đây nè!”. Sau câu nói ấy, chúng tôi nhìn nhau im lặng, lòng bỗng chùng xuống khi chợt hiểu rằng: Hóa ra mình cũng giống như những đứa trẻ bán báo này khi đều xa mẹ. Hầu hết cánh phóng viên chúng tôi ngày ấy sau khi rời giảng đường đại học đã lên Tây Nguyên, để lại phía sau mình là gia đình và những người thân yêu ở miền Trung ngái xa vạn dặm.

Trong dòng đời sôi động của nhịp sống đô thị thời hội nhập, nhiều lần đi giữa phố núi cao nguyên se lạnh chiều ba mươi Tết, tôi cứ bồi hồi tưởng vọng về những cái Tết quê nhà ở mãi tận miền Trung thương nhớ. Tết ở chốn làng quê lam lũ nhiều khi tuy giản dị, đơn sơ nhưng sao mà đầm ấm, thân tình. Hình bóng quê xưa cùng bao kỷ niệm khó quên của một thời tuổi dại là hành trang ký ức mang theo suốt cả cuộc đời. Với lẽ tự nhiên đã trở thành máu thịt, tôi luôn khắc nhớ nguồn cội của mình là chốn quê nhà có mùi thơm hương lúa lên đòng, có dáng nét trầm mặc đình làng và tiếng gọi “đò… ơi!” da diết vang vọng trên dòng sông thao thiết chảy qua bao thân phận đời người.

Cuộc sống thời công nghiệp hóa ngày một sung túc, văn minh. Nhưng cũng giống như mặt trái của tấm huy chương, lối sống hiện đại và sự bành trướng của văn hóa ngoại lai đã làm phai nhạt, khiến không ít người xa rời những giá trị văn hóa truyền thống vốn là niềm tự hào và kiêu hãnh của xứ sở Việt Nam. Con người ta sẽ đi về đâu nếu đánh mất bản sắc và lãng quên nguồn cội của mình?!

Thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo được đề cao vì nó có thể làm nên những điều thần kỳ hơn cả những bộ óc siêu việt. Thế nhưng trí tuệ nhân tạo không thể sản sinh ra được trái tim bé nhỏ nhưng trĩu nặng cảm xúc nhân sinh. Đó mãi mãi là một tuyệt tác tạo hóa ban tặng cho con người, mang vẻ đẹp vĩnh cửu mà không thành tựu khoa học nào thay thế được! Trái tim hồng đã trở thành biểu tượng cao đẹp của yêu thương vì nó biết đập cùng nhịp đập của đồng loại. Tình yêu thương là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời, đưa con người xích lại gần nhau để cùng sống an nhiên giữa chốn địa đàng này. Triết lý nhân văn ấy là quy luật muôn đời mà như cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn lúc sinh thời đã từng chiêm nghiệm: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”!

Cảm ơn đời đã cho tôi được sinh ra ở chốn làng quê để tâm hồn thấm đẫm hương đồng gió nội và thấu trải mưa nắng ruộng vườn. Dù có đi khắp chân trời góc bể tôi vẫn luôn đau đáu nhớ về cái nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Bởi vì nơi đó đã nuôi tôi khôn lớn bằng hạt lúa củ khoai, bằng sự nhọc nhằn của cha và tảo tần của mẹ. Như bao người con xa xứ, quê hương yêu dấu đã trở thành “miền đất thánh” trong suy tư, hoài niệm. Để rồi khi năm cùng tháng tận, trong giấc mơ hoang hoải giữa chốn thị thành đêm ba mươi, tôi lại phiêu du theo ngược hành trình tâm tưởng, rong ruổi tìm về…

Ban Mê, những ngày cuối năm 2021

Tùy bút của Lê Quang Ánh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.