Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo hình ảnh tàu thuyền triều Nguyễn khắc trên cửu đỉnh

08:22, 03/01/2022

Năm 1836, sau khi đúc xong cửu đỉnh, vua Minh Mạng đã cho khắc một số loại tàu thuyền trên các đỉnh này. Tìm hiểu các tàu thuyền khắc trên cửu đỉnh sẽ cho chúng ta biết chức năng của mỗi loại, trong đó có những tàu thuyền dùng trong việc bảo vệ bờ biển cũng như đi đo đạc, cứu nạn, khai thác các sản vật ở Hoàng Sa.

Qua thống kê có bảy loại tàu thuyền khắc trên cửu đỉnh. Cụ thể là thuyền đi sông, đi biển, đi chiến đấu như Đa tác thuyền (trên Cao đỉnh), Lâu thuyền (trên Nhân đỉnh), Mông đồng thuyền (chiến thuyền trên Chương đỉnh), Hải đạo (thuyền ra biển trên Nghị đỉnh), Đĩnh (thuyền đua trên Thuần đỉnh), Lê thuyền (trên Tuyên đỉnh), Ô thuyền (trên Dụ đỉnh).

Ô thuyền là một loại thuyền đi biển, sơn màu đen, cánh buồm cũng đen (đen như mực). Ô thuyền có 12 tay chèo, được sản xuất nhiều dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Triều Nguyễn sơ có trang bị loại thuyền này cho quân tuần tiễu dọc bờ biển. Loại ô thuyền này vừa có buồm, vừa có tay chèo nên tốc độ lướt sóng nhanh.

Lê thuyền.

Đĩnh là một loại thuyền đua nhiều tay chèo, được sản xuất nhiều dưới thời Gia Long và Minh Mạng; đây là một loại thuyền vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ lướt sóng khá nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy. Mỗi lần xa giá xuất hành bằng đường thủy thì chung quanh thuyền ngự có nhiều thuyền này đi hộ tống tăng vẻ oai nghi.

Lâu thuyền tức một loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp được chế tạo dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng. Loại thuyền này thường chỉ được dùng cho nhà vua và hoàng gia, các quan đại thần hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ ra đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam. Thuyền có tầng lầu chính là thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền nước ta dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19.

Đĩnh.

Đa sách thuyền là một loại thuyền khá lớn có nhiều dây buồm được sản xuất dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng. Vì thuyền lớn nên cũng gọi là tàu. Loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương. Đa sách thuyền đạt trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.

Mông đồng thuyền, loại thuyền có nhiều tay chèo được chế tạo dưới triều vua Gia Long, Minh Mạng. Đây là loại tàu chiến lớn có 12 tay chèo, chia thành 3 cụm, mỗi cụm có 4 tay chèo, 1 cụm bố trí ở mũi tàu, 2 cụm bố trí ở khoảng 1/3 thân tàu tính từ phía sau. Điều thú vị là các tay chèo này không phải dùng mái chèo tác động xuống nước để đẩy thuyền đi như thuyền chèo thông thường mà việc “chèo” này là để làm quay một hệ thống ròng rọc nối liền với các quạt nước, chính những cái quạt nước này vừa nâng tàu lên, vừa đẩy tàu đi giống như tàu máy hiện đại nhưng linh hoạt hơn nhiều. Thuyền mông đồng là loại phương tiện thủy chiến khá “hiện đại” dưới thời Minh Mạng, đi sông lớn và ven biển rất tiện lợi. Đây là loại thuyền dùng cho thủy binh, đánh dấu thành tựu đóng thuyền đồng của Việt Nam ở thế kỷ 19.

Hải đạo chỉ về một loại thuyền chèo chiến đấu chuyên đi biển, được sản xuất nhiều dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Thủy binh nhà Nguyễn điều động loại thuyền này rất linh hoạt trong chiến đấu và diễn tập trên sông nước. Trong một đơn vị thủy binh ngày trước, Hải đạo được tổ chức từng nhóm hàng chục chiếc một, khi chiến đấu thì cơ động nhanh, lúc tuần tiễu thì đi theo hàng để tiện bề hỗ trợ cho nhau.

Lê thuyền có đầu đuôi thuyền đều chạm vẽ, là một loại thuyền đi biển có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Loại thuyền này có thể dùng đi lại trên biển khi có gió to hay vùng sông nước lớn chảy xiết, khá an toàn. Những người buôn đò dọc đi dài ngày có khi cũng đóng thuyền buôn theo mẫu thuyền lê này để tiện bề đi lại.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.