Multimedia Đọc Báo in

“Sống chậm” giữa lòng phố

17:46, 01/01/2022

Giữa nhịp sống phố thị xô bồ, vẫn còn đó những người dành nhiều tâm sức, thời gian để sưu tầm, gìn giữ hàng nghìn hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào các dân tộc trên miền đất đỏ bazan. “Lạc” vào những “kho báu” giữa thị thành này, ta như được lắng lại cùng thời gian, “sống chậm” lại với trầm mặc cổ vật.

Những chiếc chóe biết… nói

Hơn 20 năm trước, công việc kinh doanh đã giúp bà Lê Thị Lý (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) được đến, tiếp xúc với nhiều buôn làng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chứng kiến các hiện vật từng rất giá trị của đồng bào bị xem nhẹ, vứt lăn lóc góc nhà, bà trăn trở tìm cách làm sao để gìn giữ, phục hồi giá trị cho chúng. Dốc hết vốn liếng, tâm sức, bà có mặt ở mọi ngóc ngách buôn làng tìm mua lại, đến nay đã sở hữu khoảng 2.000 hiện vật. Trong số đó có khoảng 500 chiếc chóe cổ các loại hàng trăm năm tuổi. Theo chủ nhân của chúng, mỗi chiếc chóe mang trong mình một linh hồn, câu chuyện và một số phận đặc biệt.

Chiếc chóe Bát Bửu từng được gia chủ trước đây mua với giá trị 40 con trâu, nhưng gia đình chỉ có 30 con trâu nên họ phải đổi người con gái của mình (12 tuổi) qua làm nô lệ 5 năm để bù vào số trâu còn thiếu. Bốn chiếc chóe mẹ bồng con được chưng trong tủ kính có màu men rất đẹp, tạo hình lạ mắt, khắc họa hình ảnh người mẹ địu con trên lưng như ta vẫn thường thấy trong đời sống hằng ngày của đồng bào các dân tộc; chóe càng nhỏ càng giá trị. Điều rất đặc biệt của chóe cổ mẹ bồng con là khi đổ nước vào chóe lớn mức bao nhiêu thì ở chóe nhỏ cũng sẽ có tỷ lệ tương ứng. Chóe 12 tai thuộc dòng ché tuk có trên 300 năm tuổi, hiện vật đặc biệt hiếm này chỉ có tù trưởng và những người giàu có, nhiều trâu, bò mới có thể sở hữu...

Trong kho báu đồ sộ còn có rất nhiều loại chóe như chim tung (còn gọi là chóe dơi) dành cho các lễ cúng mừng thọ; chóe mặt khỉ (còn gọi là kra) dùng cho cưới hỏi, làm sính lễ; chóe đồng tiền dùng để đựng tiền, ai sở hữu sẽ thu hút nhiều tài lộc, tiền của về cho gia đình; chóe stung, chóe bốn mùa, chóe tắk la, chóe rồng, chóe da lươn, ché cóc, ché tuk chân voi… từ vài trăm tuổi đến 900 năm tuổi.

Bà Lê Thị Lý (bên phải) giới thiệu về các loại chóe trong bộ sưu tập của mình.

Bà Lý chia sẻ rằng, chóe gắn chặt với đời sống đồng bào, như một vật linh thiêng, có thần linh ngự trị. Không chỉ mang giá trị văn hóa, chóe còn là một tài sản rất quý thể hiện sự sung túc của gia đình. Tùy từng vùng, địa phương, chóe có những cách gọi khác nhau dựa theo hoa văn, hình dáng, màu sắc, hay những con vật được trang trí trên thân chóe. Với đồng bào Êđê, chóe được xếp theo thứ tự từ quý nhất đến bình thường là chóe tuk, chóe tang, chóe ba, chóe bô, chóe jăn, chóe duê, chóe krăk…

Khi biết gia đình bà sở hữu kho hiện vật đặc biệt này, đã có không ít người từ mọi miền tìm đến hỏi mua với mức giá "khủng". Tuy nhiên, người phụ nữ ấy đã từ chối và cho rằng, nếu không thể giữ lại, bà chỉ muốn các hiện vật vẫn tiếp tục "sống", trở về và tồn tại trong các buôn làng của đồng bào thiểu số ở Đắk Lắk. Nơi ấy chúng được sinh ra, nuôi dưỡng và in đậm giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống đồng bào từ những năm tháng xa xưa.

Chạm vào ký ức của buôn làng

Nằm ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), Bảo tàng Ama H’Mai trở thành điểm đến độc đáo với khoảng 1.000 hiện vật lâu đời của đồng bào các dân tộc sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên. Chủ nhân bảo tàng, ông Mẫn Phong Sơn vốn là người Bắc Ninh, nhưng đã dành nhiều trân quý cho cao nguyên đất đỏ. Gần 20 năm xuôi ngược, ông đã sưu tầm, lưu giữ và hình thành nên một kho báu văn hóa sống động như bây giờ.

Ông Mẫn Phong Sơn giới thiệu về các hiện vật trong bảo tàng của mình.

Thiết kế như nguyên mẫu ngôi nhà dài của người Êđê, bảo tàng tạo cảm giác cho người đến thăm như được trở về chính ngôi nhà của mình. Trong không gian ấm áp ấy có một bếp lửa sinh hoạt truyền thống của người Êđê, những chiếc ghế kpan, trống da trâu và hàng nghìn hiện vật từ trên rừng đến dưới nước, thể hiện sự phong phú, đa dạng như: chiêng, chóe, sừng trâu, dụng cụ lao động sản xuất, vật dụng sinh hoạt thường ngày, đồ trang sức…

Nổi bật trong bảo tàng, cùng với “bộ sưu tập” chóe là rất nhiều loại gùi – vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ông Sơn cho hay, mỗi dân tộc đều sáng tạo nên những loại gùi đặc trưng, như gùi lấy rau, đựng nước, đựng thóc, lấy củi, vận chuyển lương thực, thực phẩm, gùi ba ngăn, bốn ngăn, có nắp đậy, không nắp đậy, chân cao, chân thấp… Tất cả đều được đan lát thủ công bằng mây, tre nên rất chắc chắn, bền, đẹp. 

Đặc biệt không kém là thư viện ngay trong căn nhà dài, nơi có hàng trăm cuốn sách, tài liệu cổ nghiên cứu, tìm hiểu về văn học, đời sống, luật tục của người đồng bào, tạo nên một kho tàng kiến thức đồ sộ cho những ai yêu và muốn hiểu sâu hơn về nét đẹp văn hóa các dân tộc.

Tất cả mọi hiện vật trưng bày đều được ông chủ bảo tàng góp nhặt, lưu giữ từng ngày. Xem tất cả hiện vật đều có linh hồn riêng, nên theo ông mọi hiện vật đều đáng quý như nhau, bởi mọi giá trị văn hóa tinh thần được sưu tầm này rất đáng được trân trọng. Và cũng bởi mong muốn chúng được sống trong vòng tay buôn làng nên ông đã lựa chọn Kmrơng Prông B để xây dựng bảo tàng nhằm đưa chúng về đúng nơi được sinh ra và ươm mầm nuôi dưỡng.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.