Thương nhớ mai rừng
Chuyện tìm mai
Ngày Xuân, chưng mai trong nhà là thú chơi tao nhã có từ xa xưa; cũng chẳng biết có từ thời nào, thuở nào. Nhưng sách báo xưa còn ghi chép chuyện người dân vùng Trung Nam bộ vào cữ hạ tuần tháng 10 âm lịch đã vào rừng tìm cành mai đẹp đưa về nhà, rồi “xử lý” để mai nở đúng dịp Tết.
Tôi còn ấn tượng mãi câu chuyện đăng trên một tờ báo xuất bản ở miền Nam trước năm 1975. Bài báo kể rằng: Thuở ấy có một người đàn ông ở Bình Định vào rừng tìm mai.
Ông lội qua mấy chục con suối, mấy chục ngọn đèo, đi từ sáng tới giữa chiều mới tìm được cây mai rừng ưng ý: Nhiều cành lớn, thế đẹp, các chi nhỏ xòe ra đều đặn như hai bàn tay mở hướng lên trời. Ông khoái chí đứng ngắm và nổi hứng ngồi làm thơ, thả hồn vào chữ nghĩa, quên cả việc đốn mai đưa về nhà.
Cho đến khi ông làm xong bài thơ chỉ bốn câu “Đệ nhất mai rừng chính là đây/ Cành xòe như thể những bàn tay/ Mùng một cánh vàng khoe sắc thắm/ Xóm làng đứng ngắm phải ngất ngây”, thì ngày đã chuyển hoàng hôn. Cả vùng rừng tím sẫm, rồi tối đen như mực. Ông hoảng hốt nhìn xung quanh thấy những cặp mắt đỏ lòm của đàn cọp đang đến gần. Ông vội trèo lên cây hương lớn ở cạnh mình mà chẳng kịp mang theo túi đồ ăn. Đàn cọp xông đến, chúng gầm gừ chạy quanh gốc, xé nát túi đồ của ông, rồi ngồi châumõm quanh gốc nhìn lên tán cây chờ ông xuống.
Ông sợ hãi lấy một đoạn dây rừng tự trói mình vào cành cây, phòng sơ sểnh có thể bị rơi xuống, làm mồi cho bầy cọp. Bầy cọp cứ ngồi mãi quanh gốc cây. Ông không dám xuống. Và bảy ngày sau, ông chết vì đói khát trên cành cây hương...
Chợ mai Tết ở Buôn Ma Thuột. |
Câu chuyện ám ảnh tôi mãi đến nhiều năm sau này. Mỗi lần đi chợ hoa Tết ở Buôn Ma Thuột, thấy người ta bán mai rừng, tôi lại nhớ câu chuyện xưa. Rồi tôi nghĩ về thân phận của người đi lấy mai, thân phận của cây mai rừng hôm nay với bao nỗi niềm buồn, vui...
Mai rừng về phố
Có lẽ chẳng bao giờ tôi quên những năm đầu mới đến Buôn Ma Thuột, cách đây đã gần bốn thập niên. Cứ vào cữ 23 tháng Chạp, trên các đường phố Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Phan Bội Châu... bắt đầu xuất hiện những người bán mai rừng. Đến 28, 29 Tết thì mai rừng bán đầy trên các vỉa hè. Bên cạnh những cành mai trĩu búp xanh, chỉ có một vài nụ hé tí sắc vàng chờ đúng ngày đầu năm mới nở, thì nhiều cành đã nở rộ, cả đường phố ngập trong sắc vàng. Cái sắc vàng tươi nhưng dịu dàng của mai rừng thật quyến rũ, vừa hoang dại, ngây thơ, vừa nồng nàn, mạnh mẽ. Có phải nhờ vậy mà mai rừng chống chọi được với nắng gió dữ dội của mùa khô cao nguyên để phơi phới giữa trời đất từ hàng vạn năm nay? Và phải chăng bông mai rừng có sự thanh tao, quý phái hơn mai vườn, nên không ít người dân Buôn Ma Thuột khi Xuân đến Tết về, dù trong nhà đã có chậu mai thế 16 hay 24 cánh, đẹp, quý lắm rồi, nhưng vẫn mua thêm một vài cành mai rừng nho nhỏ để cắm độc bình đặt trên bàn thờ tiên tổ? Rồi cảnh người mua bán mai nhộn nhịp, cảnh những người ngồi trên xe máy, xe đạp, vác theo cành mai rừng từ chợ Tết về nhà đã gây cho tôi một ấn tượng riêng về văn hóa Tết của vùng đất này.
Chuyện người bán mai rừng
Tôi còn nhớ một cái Tết cách nay gần hai chục năm. Đi chợ hoa, tôi chẳng mua bán gì mà ngồi lân la nói chuyện với một người bán mai rừng tên là Lộc, ở thị trấn Ea T’linh, huyện Cư Jút (thời ấy chưa tách tỉnh Đắk Nông, Cư Jút vẫn còn thuộc tỉnh Đắk Lắk). Gần hai giờ ngồi với ông Lộc tôi mới hiểu: phía sau sắc vàng lung linh của những cánh mai rừng kia cũng có lắm niềm vui nỗi buồn, thậm chí cả những giọt nước mắt.
Ông kể: “Tôi đi lấy mai rừng đã mười mấy năm nay. Cũng có năm trúng, năm đó tôi lấy được năm, sáu cành mai đẹp, trong đó có một cành dáng đẹp, thân, chi uốn lượn như con rồng bay. 28 tháng Chạp đưa mai lên phố, người mua đến vây quanh ngắm nghía, trầm trồ. Riêng cành mai đó tôi bán được ba triệu đồng, còn lại cũng bán được năm, bảy trăm nghìn đồng mỗi cành. Tất cả hết vèo trong buổi sáng. Tết đó cả nhà tôi vui không biết nhường nào... Nhưng năm nay thì ế. Ế đến... ngồi rũ người, phơi nắng cháy da hai ngày nay mà chẳng thấy ai đến trả giá!”...
Theo ông, mai rừng bây giờ ít có cành đẹp, bởi nhiều người lấy mai không biết giữ thân, giữ gốc cho những mùa sau. Họ đốn ngang thân chỉ để lấy vài cành, thậm chí đào cả gốc đem về bán cho các nhà vườn. Họ lấy mai theo cách hủy diệt nên mai rừng ngày càng ít. Bây giờ lấy mai phải vào tận rừng sâu, đi cả ngày đường mới tới, phải leo trên những những triền đá chênh vênh may lắm mới tóm được một cành mai kha khá. “Mà mai núi đá anh biết không? dễ thương lắm, cành gân guốc, uốn lượn, nhiều dáng lạ, cánh dày, nhỏ mà xinh xắn. Nhưng trèo vách đá nguy hiểm lắm, lỡ trượt chân là bỏ đời, không bỏ đời cũng mang thương tích cả đời. Ở làng tôi đã có người “đi lấy mai Tết”, nhưng mai thì không lấy được mà “lấy phải cái chết” để vợ con, người thân yêu phải sống trong cái Tết tang thương, đau buồn cả đời...”, ông Lộc ngậm ngùi.
***
Đêm cuối năm, nhớ lại cuộc chuyện trò với ông Lộc - người bán mai rừng từ mười mấy năm trước - và ngẫm về thân phận của cây mai rừng hôm nay, tôi bỗng cảm thấy buồn thương cho số phận mai rừng, cảm thấy như mình bị mất mát từ quá khứ một người bạn từng tha thiết, lưu dấu kỷ niệm giữa lòng mình...
Và rồi linh cảm của trời đất, thiên nhiên gợi tôi nhớ về cây mai rừng ấy - cây mai bám chênh vênh bên triền đá bờ sông Sêrêpốk giữa rừng Yok Đôn mà tôi được thấy dịp xuân năm 1990: dáng thân gấp khúc nhiều đoạn như rồng cuộn, vươn trên mặt sông, lớp lớp cánh hoa vàng thắm lung linh soi vào mặt nước trong xanh... đã khảm vào lòng tôi vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên xứ sở, không có vẻ đẹp nào sánh nổi. Nhưng giờ đây mai rừng không còn nữa! Rừng đã bị tàn phá suy kiệt. Mai rừng bị săn lùng, khai thác theo lối tận diệt, đào bứng cả gốc. Và cây mai thiên tạo bên triền đá sông Sêrêpốk mà tôi đã khảm vào lòng mãi mãi chỉ còn trong thương nhớ!
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc