Trong lòng đất Tây Nguyên (Kỳ 2)
Hầu hết các di chỉ khảo cổ ở khu vực Tây Nguyên đều cho thấy kết quả di tồn địa bàn cư trú, gắn với công xưởng chế tác công cụ và mộ táng thời kỳ đá cũ và mới cho đến thời kỳ kim khí cách nay hàng nghìn năm. Điều đó đã chứng minh con người thời tiền sử ở đây liên tục phát triển theo dòng chảy của lịch sử nhân loại.
Kỳ 2: Liên tục dòng chảy lịch sử
Dòng chảy ấy còn được soi rọi, khẳng định qua nhiều mối liên hệ và góc nhìn khác nữa. Chẳng hạn, hàng nghìn hiện vật bằng đá và kim khí được phát hiện tại di chỉ Lung Leng (Kon Tum) vào năm 1999, trong đó cho thấy một số đặc điểm đáng chú ý là các di vật được tìm thấy ở đây rất gần với văn hóa Đông Sơn, còn đồ gốm lại rất gần với văn hóa Sa Huỳnh. Từ đây, GS.TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) có cơ sở nhận định: Như vậy, ít ra có thể thấy đời sống người tiền sử ở Tây Nguyên có giao thương rộng rãi với cả hai nền văn hóa lớn này ở phía Bắc cũng như phía Nam. Hơn thế, thông qua các hiện vật được phát hiện tại các di chỉ tiêu biểu như đã nêu - từ di chỉ Biển Hồ, An Khê, ven thung lũ Sông Ba (tỉnh Gia Lai); Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) và Ea Ka, Ea Súp, Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã góp phần chứng minh nền văn minh của cư dân thời tiền sử ở đây phát triển khá cao, không thua kém gì cư dân tiền sử ở vùng Đông Nam Á.
Ở góc độ khác nhằm làm rõ quá trình người tiền sử có mặt lâu đời ở Tây Nguyên, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường - nhà nhân cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cùng đồng nghiệp đã phát hiện các di tích cư trú và di cốt của người tiền sử trong các hang động núi lửa ở Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), từ đó bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở Tây Nguyên. Theo nhà nhân cổ học này, qua hai cuộc khai quật tại đây, các nhà khoa học đã ghi nhận trong hang động còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sinh sống của các bộ lạc thời tiền sử.
Trống đồng được tìm thấy trên địa bàn Đắk Lắk. |
Theo đó, con người xuất hiện ở đây sớm nhất vào giai đoạn sơ kỳ đá mới có niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 năm, tiếp sau là cư dân trung kỳ đá mới cách nay khoảng 6.000 năm và con người rời hang vào giai đoạn hậu kỳ đá mới đến sơ kỳ kim khí (cách nay khoảng 3.500 năm).
Bên cạnh dấu tích nhân cổ học được phát hiện nói trên, thì yếu tố sinh thái cổ cũng được tìm thấy ở Tây Nguyên, góp phần chứng minh đời sống liên tục được phát triển của con người ở đây. Đó là vào những năm 1998 -1999, Viện Khảo cổ học cùng với Bảo tàng Đắk Lắk đã đến xã Cư Huê - Ea Kar, nơi một nông dân trong khi đào giếng đã phát hiện một số xương cốt động vật nằm ở độ sâu gần 9 m.
Qua tiếp cận và phân tích, TS. Vũ Thế Long - chuyên gia sinh thái cổ cho rằng đó là số xương của những con vật (hươu, lợn, trâu, bò) do con người giết thịt. Chúng có tuổi khoảng 6.000 năm và đây là di tích cổ sinh đầu tiên trong địa tầng dưới lớp nham thạch núi lửa ở nước ta. Số xương động vật hóa thạch nói trên đã cho thấy rõ hơn hoạt động sắn bắn, hái lượm của người tiền sử ở Tây Nguyên tồn tại song cùng và bên cạnh hoạt động khai thác, chế tác công cụ thời hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ đá mới.
Theo TS. Vũ Thế Long, qua phát hiện này, có nghĩa là “bức tranh” đời sống của người tiền sử ở vùng đất này đã hiện ra khá đầy đủ và liên tục trên mọi góc nhìn lịch sử, văn hóa, nhân chủng học và cổ sinh học gắn với địa bàn cư trú, chế tác công cụ và mộ táng.
Hố khai quật di chỉ Thác Hai, huyện Ea Súp - Đắk Lắk. Ảnh: Q.Năm |
Bước sang thời kỳ kim khí, được biết từ những năm 1999 - 2014, các nhà khảo cổ học đã liên tục phát hiện nhiều khuôn đúc đồng, có xỉ đồng bám theo tại di chỉ Lung Leng (tỉnh Kon Tum) và vùng Giang Sơn (nằm giữa huyện Krông Bông - huyện Lắk). Tại đây, người ta đã tìm thấy nhiều lưỡi rìu bằng đồng cùng dấu tích cho thấy ở đây đã từng tồn tại một xưởng đúc đồng có quy mô cách đây hơn 2.000 năm. Và điều đó đã góp phần chứng tỏ Tây Nguyên đã từng tồn tại thời đại đồng thau với các trung tâm luyện kim có trình độ, kỹ thuật không kém những vùng miền khác. Từ đó cũng bắt đầu có cơ sở để nói rằng Tây Nguyên cũng không phải là một vùng văn hóa biệt lập, bởi liên tục trong thời gian qua có khá nhiều trống đồng được phát hiện tại đây.
Theo TS. Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk), riêng trên địa bàn Đắk Lắk đến nay đã phát hiện khoảng 40 trống đồng tại các vùng cư trú lâu đời của người Êđê, M’nông. Điều này đã khẳng định một cách chắc chắn: Văn hóa Việt cổ đã từng xuất hiện khá sớm ở Tây Nguyên thông qua một bộ phận người Việt cổ đã từng đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa với nhiều bộ tộc sinh sống từ rất lâu nơi sơn nguyên này. Điều đó càng chứng tỏ có một dòng chảy lịch sử liên tục trên vùng đất này, và con người tiền sử ở Tây Nguyên đã không ngừng tiến hóa, phát triển cùng cư dân của các vùng miền khác trong cả nước, cũng như khu vực Đông Nam Á.
Trong một thời gian dài, do không có tài liệu khảo cổ học soi rọi nên đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa Đông - Tây. Người ta cho rằng ở phương Tây với sự xuất hiện sớm rìu tay đã thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người thời kỳ sơ khai. Còn ở phương Đông, việc bảo lưu lâu dài công cụ ghè đẽo thô sơ (chopper) thể hiện sự bảo thủ, trì trệ, lạc hậu, và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Quan điểm ấy nay đã đảo chiều qua những phát hiện từ những di chỉ khảo cổ ở Tây Nguyên, đặc biệt là di chỉ An Khê - Gia Lai” - (Tham luận của TS. Nguyễn Gia Đối - Viện Khảo cổ học Việt Nam tại Hội thảo quốc tế về thời đại đá cũ An Khê được tổ chức vào cuối tháng 11/2016 tại TP. Plei Ku - Gia Lai). |
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc