Multimedia Đọc Báo in

Trong sắc màu thổ cẩm

23:59, 27/03/2022

Ở dưới xuôi thấy ai đó đắp lên người tấm thổ cẩm là lấy làm lạ. Cái lạ ở đây là nét khác biệt trong suy nghĩ, cảm nhận mang tínhvăn hóa tương đối độc lập của từng cộng đồng dân tộc khác nhau.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà thiết kế thời trang trẻ đã cho ra mắt những bộ trang phục bắt mắt bằng chính chất liệu này thì thổ cẩm không còn lạ lùng gì nữa, nó như bản sắc tiêu biểu của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Hơn thế, thổ cẩm còn đóng vai trò “sứ giả” lên đường giao lưu với bạn bè khắp nơi.

Vậy thổ cẩm là gì mà có sức hút đến thế? Anh Nguyễn Thành Trung (trú 03 Bùi Thị Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), một trong những người đang sở hữu nhiều bộ sưu tập thời trang thổ cẩm đặc sắc, độc đáo nhất hiện nay chia sẻ: “Sức hút của thổ cẩm là bản sắc dân tộc - ở đó tùy thuộc vào óc tư duy nghệ thuật, trình độ phát triển kinh tế mà mỗi dân tộc có cách phô diễn khác nhau về kỹ thuật dệt, tạo màu sắc, hoa văn… nhằm xác lập giá trị văn hóa nhất định trên nền thổ cẩm của chính mình - và cũng từ thuộc tính đó, thổ cẩm nghiễm nhiên chiếm được cảm tình của khách hàng”. 

Nhà thời trang trẻ Nguyễn Thành Trung giới thiệu thời trang thổ cẩm trong chương trình “Ký ức di sản” tại Hà Nội vàocuối năm 2020. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Gần mười năm say mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa thổ cẩm của các tộc người ở Tây Nguyên - Nam Trung Bộ, nhà thiết kế thời trang trẻ này tỏ ra khá am hiểu về sản phẩm được dệt bằng tay ấy (By hand). Anh Trung tường tận: Hầu hết thổ cẩm của các tộc người ở đây đều dùng phương pháp chắp sợi để tạo hoa văn - và việc bố cục màu sắc đối với họ là hết sức quan trọng. Màu sắc truyền thống được thể hiện trên sản phẩm thổ cẩm ở đây (như váy, khố, áo, tấm đắp) là những màu chủ đạo như trắng, đen, đỏ, vàng và xanh lục. Mặc dù phổ màu không phong phú lắm, nhưng họ biết cách phối màu hợp lý và tinh tế nên thổ cẩm của người Êđê, Jarai, Bana, Sê đăng, M’nông, Mạ hay K’ho… đều rất “bắt mắt” nhờ những đường nét, màu sắc tương phản, sống động. Chính vì vậy mà thổ cẩm của họ trông rất khỏe khoắn và ấn tượng với những họa tiết, hoa văn đạt đến phong cách hình học ổn định dưới dạng hình tam giác, hình thoi, răng cưa, kỷ hà và đường song song.

 

“Hoa văn trên thổ cẩm của người Tây Nguyên đã đạt đến phong cách hình tượng hóa thế giới chung quanh, nhưng vẫn giữ được sự trong sáng, hiện thực chứ không rơi vào khuynh hướng hình học, hay thách đố. Nhờ vậy mà thổ cẩm ở đây trở nên độc đáo, giàu bản sắc và có sức hút đối với thế giới thời trang”.

 
Nhà tạo mẫu thời trang MINH HẠNH.

Theo anh Trung, thổ cẩm của người Êđê và người Mạ ở Nam Tây Nguyên là đại diện cho xu thế sáng tạo, phát triển thời trang trong đời sống hiện nay. Từ bản sắc văn hóa được phô diễn trên sản phẩm được dệt bằng tay của hai dân tộc này đã giúp những nhà thiết kế thời trang tên tuổi như Minh Hạnh, Sĩ Tiến (TP. Hồ Chí Minh) và bản thân anh Trung kết hợp lại, rồi biến tấu và “tung hứng” lên từng sản phẩm. Nếu như trước đó, Minh Hạnh và Sĩ Tiến nổi danh với những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm mang tên “Sắc màu vùng cao”, thì hiện nay nhà thiết kế thời trang trẻ Nguyễn Thành Trung khiến mọi người cuốn hút, ngỡ ngàng qua bộ sưu tập “Không gian văn hóa Tây Nguyên” được quảng bá, giới thiệu tại một số thành phố lớn trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng trong thời gian qua. Ở đó, vốn văn hóa thổ cẩm của hai dân tộc trên - từ màu sắc (đỏ, trắng, đen, vàng, xanh lục) được phối trộn nền nã, ấm áp trên từng sản phẩm thổ cẩm; đến những họa tiết hoa văn gần gũi với đời sống chung quanh (như hình răng chuột, con mối, hạt mướp, cây rau dớn, quả trám và tam giác đối đỉnh) được nghệ nhân bố cục, cách điệu hài hòa trên mỗi băng, dải thổ cẩm đã giúp các nhà thiết kế thời trang tha hồ chọn lựa, chắt lọc để phục vụ ý tưởng sáng tạo của mình.

Rực rỡ trong sắc màu thổ cẩm

Từ những bộ sưu tập thổ cẩm “Sắc màu vùng cao” đến “Không gian văn hóa Tây Nguyên” kể trên được giới thời trang đánh giá rất đậm đà bản sắc dân tộc nhờ vốn văn hóa (màu sắc, hoa văn) thổ cẩm tạo nên. Theo cảm nhận của anh Trung cũng như hầu hết các nhà thiết kế thời trang say mê thổ cẩm thì sự trong sáng, rành mạch và hiện thực trong tư duy nghệ thuật dệt sợi truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên là “chìa khóa” mở ra thế giới thời trang đa sắc màu và giàu cảm xúc trong đời sống hôm nay. Việc thổ cẩm lên ngôi, hội nhập cùng thế giới thời trang trong nước và quốc tế đang là đường hướng rộng mở, thu hút sự quan tâm của mọi người.

Phương Bối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.