Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa của tin yêu!

05:55, 27/03/2022

(Đọc Những chiếc lá bồ đề. Tiểu luận – Phê bình của Trương Nhất Vương; NXB Hội nhà văn – 2021)

Còn nhớ lần cùng tham gia trại sáng tác cho Công an tỉnh Đắk Lắk, tôi và nhà thơ Lê Đình Liệu được phân công về Đồn Biên phòng Bo Heng, còn Trương Nhất Vương về đồn gần đó. Một lần xe chở chúng tôi đi thăm cầu Sêrêpốk, xe dừng ở đầu cầu để ngắm sông, ngắm núi thì gặp Vương tay cầm gậy đi ngược lại. Thì ra anh chàng đi thực tế. Vương mê mải của người cầm bút có trách nhiệm. Tập tiểu luận – phê bình “Những chiếc lá bồ đề” chứng tỏ Vương đa tài. Tập sách chia làm hai phần: Phần “Chân dung – Tác phẩm” gồm 15 bài; phần “Đến với bài thơ hay” gồm 10 bài. Tổng cộng hơn 150 trang in.

Đọc mới thấy những trang viết chan chứa tình người, lòng yêu thương con người, mong ước mọi người tốt đẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Vương đưa lên đầu sách hai bài về Huệ Nguyên (Nguyễn Văn Hợp): “Huệ Nguyên – Điều kì diệu của cuộc sống” và “Những giọt nắng tràn dư yêu thương”. Vương giới thiệu Huệ Nguyên trong hoàn cảnh đặc biệt và trân trọng: “Căn nhà cuối cùng, nằm giữa cánh đồng quê mênh mang, mái ngói rêu phong, tường trét đất xiêu vẹo… Giọng nói của Hợp trong veo, ấm áp và khỏe khoắn lạ kỳ, chứ không rầu rĩ, nhàu nát của một con người bệnh tật”. Vương cảm phục và kính phục nghị lực một con người: “Vâng, tôi chỉ mới gặp Huệ Nguyên ngoài đời một lần duy nhất, hàn huyên một buổi chiều gần như chưa đủ thấm… nhưng anh đã gieo vào tôi sự đồng cảm và ngấm ngầm là một ý chí vươn lên quật khởi”.

Viết về người cao tuổi, Vương trân trọng quá khứ qua từng câu chữ. Vương giật tít: “Người mẹ trong tập “Hơi thở thời gian” của nhà thơ Sơn Thúy”. Luôn gọi trân trọng là bà hoặc nhà thơ ngưỡng mộ và chân tình: “Với lối viết đơn sơ, câu chữ mộc mạc như ngọn lúa, củ khoai của người nông dân tạo nên hình, nên khối, tạc vào bầu trời thi ca hình ảnh người mẹ quê mang phong cách đặc sắc của riêng mình”. Viết về bài “Bàn chân mẹ”, Vương mở rộng vấn đề, liên hệ tới thế hệ các bà mẹ anh hùng trong thơ Sơn Thúy: “Đó là bàn chân của một thế hệ phụ nữ miền Bắc anh hùng, tay cuốc, tay cày, đảm đang để chồng, cha, anh ra chiến trường”. Vương dẫn chứng câu thơ rất đắt: Bàn chân mẹ to bè /Năm ngón xòe hình chổi. Độc và lạ!

Viết về Đàm Lan, Vương đặt đầu đề: “Hãy sống như mình là cỏ”. Rất đúng với người giàu nghị lực, không gục ngã Đàm Lan: “Văn chị như con người của chị, vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận, vượt lên tất cả hoàn cảnh xã hội. Cuộc sống đầy những trải nghiệm, đầy chông gai, thử thách của người phụ nữ tật nguyền”. Các tác phẩm của Đàm Lan được đánh giá cao: “Tất cả với lối viết, ngôn ngữ cực kỳ giản dị, mộc mạc như miếng cơm, nước uống hằng ngày”.

Về Nguyễn Hoàng Thu, Vương gợi được chiều sâu suy cảm: “Người buồn vui vì người”. Thu đã từng được bắt giam, bị lao công đào binh hai lần vì tội chống quân dịch. “Buổi chiều, thi thoảng người viết được ngồi bên ông hầu rượu, ngắm ông nâng ly điệu đà, đôi mắt trầm tư nhìn khói thuốc bay về vùng hoài niệm”.

Về “Trường ca rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến, Vương viết: “Chung nhất vẫn là bức tranh tả thực sinh động kết hợp với những cảm xúc vui buồn trộn lẫn của con người và đất rừng Tây Nguyên, và bản trường hận ca bi tráng của thiên nhiên, đào bới lương tâm trong mỗi con người đến độ day dứt, khắc khoải”.

Phạm Văn Nhăm, nhà giáo làm thơ viết tiểu luận phê bình với tập “Chiều xanh”. Trương Nhất Vương đã khơi gợi cho người đọc hiểu thêm về tác giả: “Chiều trong mắt ông không trắng, không đen, không xám mà xanh… Vâng! Chữ xanh ghép với chiều mới nghe tưởng chừng khó chấp nhận. Chữ xanh trong tập Chiều xanh lại nằm ở cung bậc cao, rộng về biên độ, sâu trong lý tưởng, màu xanh của hy vọng, màu xanh của ước mơ”…

Niê Thanh Mai, qua tập truyện “Ngày mai sáng rỡ”, Vương khẳng định: “Tất cả các cốt truyện không quá lạ lẫm, không giật gân, không nhiều cảnh bạo lực, không đào sâu các cảnh xác thịt làm tình điên đảo… mà vẫn cuốn hút, cuốn hút bởi tình người. Cuốn hút bởi cuộc sống xã hội, con người đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số được hít thở, được yêu thương, được mơ ước, được đau khổ, được sống và chết như đời thật, sự thật”.

 

Bùi Minh Vũ được Vương gọi là “Người đi trên dây văn chương”. Vũ lấy vợ để có người giữ tài liệu là các bài báo, các bản thảo, để yên tâm đi chiến trường K. Chuyện cứ như đùa, như hoạt cảnh phim. Năm 1990, từ chiến trường về, lao động cật lực bù lại tháng năm đã mất, Vũ thử sức và thành công nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian, viết tiểu luận phê bình. Vương dành những mĩ từ cho Vũ: “Bùi Minh Vũ nghiêm cẩn, chắc chắn trong nghiên cứu, sưu tầm văn hóa cổ, lúc trải lòng sống thật với nhân vật trong tiểu thuyết và đời thực, lúc như người chí sĩ yêu nước, thương nòi, lúc trong vai chàng thi sĩ cô đơn đến tột cùng”. Chân dung Vũ được vẽ ra sống động, đầy đủ.

Trong phần “Đến với bài thơ hay” thấy Vương thể hiện năng lực bình thơ. Không đi theo lối mòn, chọn những bài thơ đã nổi tiếng mà Vương chọn những bài mới chưa phải nhiều người đã biết của Nguyễn Tiến Sĩ, Uông Thái Biểu, Hoàng Công Danh, Nguyễn Vĩnh Truyền, Trần Mai Hưởng… Tìm cái hay, cái đẹp của thơ ca để trân trọng giới thiệu.

Tên tập sách “Những chiếc lá bồ đề” đã dẫn dụ tôi đọc bài: “Giọt mắt đắng như chiếc lá bồ đề rơi nghiêng” khi nhận xét về thơ Dzạ Lữ Kiều: “Tôi hình dung những chiếc lá bồ đề nơi cửa Phật, nghiêng rơi trở về nguồn cội, trở về với đất mẹ. Tác giả như đã thấm tận cùng cái lẽ vô thường”.

Ngoài đời, có lúc Vương bị o ép đến mất việc, không lương, nhưng vẫn tin cuộc đời, tin yêu chân lí để người dạy lái xe trở thành nhà văn viết nhiều thể loại: Thơ, ký, tiểu luận – phê bình, mà tập sách này là minh chứng. Điểm tựa để tin yêu là tình người, Vương đã có.

Trong khi mảng lý luận – phê bình ở Đắk Lắk còn yếu thì đây là tín hiệu vui.

Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.