Tương tư... tóp mỡ
Đứa em bộ đội tặng một tảng mỡ lợn, không nói để làm gì. Lợn bộ đội nuôi thì cực phẩm, bởi toàn ăn rau. Chắc nó biết tính tôi hay lọ mọ làm mấy món nhà quê nên biết sẽ phải xử lý thế nào cho hợp lý. Tôi cầm trên tay tảng mỡ, trong tiết lạnh giá của mùa đông, những kỷ niệm về tóp mỡ ùa về.
Và tôi nhớ mẹ tôi. Nhớ cái nông trường xa tít tắp thời bao cấp. Nhớ thời tem phiếu cơm độn khoai sắn, bo bo. Những ngày cuối tháng, khi các chú mổ lợn, đấy là một ngày hội đúng nghĩa. Con lợn “hợp tác xã” cũng gầy gò như dáng người thuở đó. Trâu, bò, lợn nuôi theo kiểu tập thể không ai chịu trách nhiệm, nên đến mùa đông chúng bị chết rất nhiều. Hoa màu cũng vậy, sản lượng không tăng bởi sản xuất, chăm sóc kiểu chấm công, ghi điểm...
Lợn đã được làm sạch, đặt trên mấy tàu lá chuối. Lũ trẻ nhao nhao đứng xung quanh nhìn các chú bác chia thịt cho các hộ. Chia thịt thời bao cấp là một nghệ thuật, bởi chỉ cần phần này nhỉnh hơn phần kia một tí, là có khi cãi nhau to. Phần thịt không quan trọng bằng mỡ, vì mỡ dùng để rán dùng thay dầu ăn, để ăn dần. Chứ thịt thì kho lên chỉ được một bữa, người mấy miếng chẳng khẳm.
Một cái chảo to dùng để nấu nước làm lợn, luộc lòng, chia phần xong, các chú cho vô tí huyết, đổ gạo vào nấu cháo. Nồi cháo đó thơm phức, cả làng cùng ăn, ai cũng rạng ngời niềm vui khó tả.
Ảnh: Internet |
Mẹ tôi nâng miếng mỡ nhỏ xíu một cách vui mừng. Sau đó thái nhỏ, cho vô chảo rán lên. Mỡ cháy xèo xèo thơm nức mũi khiến lũ trẻ chúng tôi đứng bên cạnh thèm nhỏ dãi. Sau đó, mỡ được đổ vào cái vẹm (hũ), mẹ treo lên thật cao, lơ lửng mà con mèo không thể phi thân ra đánh chiếm được. Hoặc cho vô chạn (tủ gỗ). Con mèo rất giỏi, nhiều khi cũng không thoát được sự tinh ranh của chúng. Sáng sớm “bàng hoàng” khi mẹ thất thanh: “Ôi chết rồi con mèo đã ăn hết hũ mỡ”. Thành ngữ “mỡ treo miệng mèo”, cái gốc tôi nghĩ có khi xuất phát từ mỗi hũ mỡ vĩ đại của các bà mẹ Việt Nam nghèo.
Hình ảnh mẹ luôn gắn với cái bếp củi rực hồng. Bất cứ mùa hè nóng nực hay đông lạnh giá, mẹ tôi thường dậy sớm nhất nhà để nấu ăn cho chồng con. Chúng tôi ngủ vùi trong chăn, nhưng mùi khói bếp dìu dặt khắp nhà, vương vấn.
Tôi dậy, thường thì chạy thẳng vô bếp ngồi cạnh mẹ, mắt ngó nghiêng xem hôm nay mẹ nấu món gì. Ôi cái bếp vĩ đại:
Mẹ là bếp, bếp là mẹ
Tôi không cần biết Prometheus là ai
Mỗi sớm mai mẹ đã nhóm ngọn lửa
Phù phù, móm, thổi, nhen
Ngày này qua ngày khác
Mẹ - bếp, cháy tràn qua bao mùa xuân.
Mỗi lần tôi về, rồi đi
Trái tim ấm lên và phát quang.
(Bếp mẹ - H.Q)
Mỡ thay dầu ăn. Mỗi lần nấu gì mẹ bê hũ mỡ ra, lấy đũa cả quệt một tí cho vào nồi, không quên cho thêm mấy miếng tóp mỡ đủ tiêu chuẩn cho con cái.
Mỡ cháy xèo xèo, tan ra, mẹ sẽ cho hành tăm vào. Mùi thơm sực nức cả ngôi nhà. Mỡ lợn nấu gì cũng ngon, nhưng tôi thích nhất là xào với dưa cải, kho cá, rang cơm, chiên trứng. Những miếng tóp mỡ ẩn dật trong nồi, được mẹ gắp chia đủ cho anh chị em mỗi người một vài miếng. Chúng tôi thường để dành miếng tóp ấy sau cùng. Kết thúc bữa ăn bằng miếng tóp mỡ trứ danh, giòn tan thơm thảo như tình mẹ.
Con gái tôi cầm lọ mỡ cha nó làm, nó chưa hiểu rằng đang bê trên tay ký ức một thời.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc