Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về ngôi chùa do vua Gia Long ban sắc đặt tên

07:31, 27/02/2022

 làng Phú Xuân Hạ, xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có một ngôi chùa tương truyền do chính vua Gia Long ban sắc đặt tên là chùa Quảng Phong.

Tương truyền rằng, trước đây ở làng Thanh Trà, xứ Bàu Tròn (thuộc xã Tam Quang, huyện Núi Thành ngày nay) có một phụ nữ được tuyển vào phủ Chúa ở kinh đô Phú Xuân (Huế) và trở thành vú nuôi, lo chăm sóc, bồng bế Nguyễn Ánh từ bé... Được một thời gian, do chiến tranh xảy ra liên miên giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn, giữa chúa Nguyễn với chúa Trịnh, đất nước loạn lạc, triều đình rối ren nên bà phải rời phủ Chúa trở về quê nhà. Vì thương và nhớ Nguyễn Ánh khi phải rời xa nên bà giấu mang theo chiếc áo của ông về.

Nguyễn Ánh lớn lên, theo đuổi con đường vương nghiệp. Do chiến tranh nên chúa phải bôn tẩu nhiều nơi để giữ mạng sống và tìm cách khôi phục lại cơ nghiệp. Trong một lần chạy trốn sự truy sát của quân Tây Sơn, ông cùng gia quyến đem quân về đồn trú ở vùng biển Kỳ Hà (huyện Núi Thành). Bà vú nuôi năm xưa hay tin tìm đến hỗ trợ lương thực, nơi trú ẩn. Để Nguyễn Ánh tin tưởng và nhận ra mình, bà đã trao lại chiếc áo ông từng mặc thời thơ ấu. Khi nhận ra chiếc áo mình từng mặc từ tấm bé, chúa rất cảm động trước tình cảm thiêng liêng mà bà vú nuôi xứ Quảng đã dành cho mình. Cảm kích trước nghĩa tình của người vú già, Chúa đã cho xây một ngôi nhà tại quê bà và cấp bổng lộc để bà an dưỡng cho đến hết đời.

Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, chỉnh đốn triều chính và lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Nhà vua không quên ơn nghĩa người vú nuôi đã tìm đến giúp mình trong cơn hoạn nạn năm xưa nên lệnh cho quan quân tìm rước người phụ nữ có nghĩa, có tình ra kinh đô Phú Xuân để phụng dưỡng. Trước tấm thịnh tình của vua, người vú nuôi xin được sống tại quê nhà ở đất Quảng Nam và chỉ có một nguyện vọng là muốn sửa sang ngôi nhà vua ban tặng trước kia thành một ngôi chùa nhỏ để tu hành, cứu nhân độ thế trong quãng đời còn lại. Vua thuận lòng xuống chiếu phong tặng cho bà là “Nhũ mẫu”, đồng thời truyền thợ giỏi ở Huế đến xây một ngôi chùa và sắc ban cho tên chùa là Quảng Phong, nghĩa là “Ngọn gió xứ Quảng”.

Chùa được xây từ năm 1817, hiện còn 4 câu liễn thờ bằng chữ Hán do vua Gia Long ban tặng treo trước chánh điện. Kiến trúc và trang trí trong chùa mang dáng dấp của nghệ thuật triều Nguyễn.

Chùa Quảng Phong.

Ngày nay, chùa Quảng Phong tuy đã thay đổi qua nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc cũ vẫn bảo lưu và mang dang dấp như bao ngôi chùa khác. Cách chùa về phía trái khoảng một cây số là tháp mộ bà vú nuôi của vua Gia Long - chủ nhân đầu tiên của ngôi chùa. Ngoài chùa Quảng Phong, trong vùng này vẫn còn một giếng nước trong lành, gọi là giếng Vua, gắn liền với giai thoại chúa Nguyễn Ánh đem quân về đồn trú tại đây. Tương truyền, lúc đó dân cư hãy còn thưa thớt, cả một vùng cát trắng chạy dài theo sông Trường Giang không có lấy một giọt nước ngọt, đào giếng xuống chỉ gặp toàn nước phèn, chua mặn. Trong cơn ngặt nghèo, chúa Nguyễn Ánh đã cho bày hương án tế trời xin cho đào được nước ngọt để nuôi quân. Lạ thay, khi tế xong, quân lính chỉ đào một lần duy nhất là được ngay một giếng nước ngọt trong lành, nước đầy ăm ắp... Đến khi có lệnh rút quân đi nơi khác thì một số gia đình binh lính xin được ở lại vùng này, sau đó dân cư từ khắp nơi kéo đến đây sinh sống, lập nên làng xã. Tất cả cùng uống chung dòng nước trong lành không bao giờ cạn từ giếng Vua. Sau này giếng được cải tạo sâu, rộng thêm đủ nước dùng cho cả chùa.

Đã trải qua hơn 200 năm có lẻ với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, thời cuộc nhưng chùa Quảng Phong vẫn còn nguyên những giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với những giai thoại về vua Gia Long. Nơi đây, hằng năm thu hút đông đảo phật tử và khách thập phương đến viếng hương lễ bái, tìm lại dấu xưa.

An Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.