Multimedia Đọc Báo in

Một chữ nghề

08:33, 20/02/2022

Dân gian có câu “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” nhằm khuyến khích con người ta tu dưỡng, học hỏi và rèn luyện một kỹ năng nghề nghiệp nào đó để sinh tồn và phát triển, không những cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng, xã hội.

Trên thực tế, điều đó được mặc định bất kỳ ai nắm giữ bí quyết một nghề nghiệp nào đó để mưu sinh, chắc chắn sẽ dễ dàng kiếm sống hơn so với người khác (cùng hệ và cùng thời điểm).

Ở lĩnh vực nào cũng thế, nếu ai đạt đến trình độ tài giỏi về một nghề thì được xã hội tôn vinh, săn đón và mời chào. Lạm bàn về điều này quả thật vô cùng rộng lớn, bời từ các chuyên gia khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, cho đến thợ thuyền phổ thông, lao động bình dân… đều lấy tiêu chí “nhất nghệ tinh” làm trọng nhằm đạt được mục đích “nhất thân vinh” cho mình trước đời sống ngày càng  phát triển đi kèm với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Trên thực tế đã có không ít người thành danh và tạo dựng được sự nghiệp cho bản thân từ nhận thức có tính chất xuyên suốt mọi thời đại ấy. Kể ra thì nhiều, ở đây xin nêu ra một điển hình mà tôi từng quen biết; và ở góc độ nào đó mà nhìn nhận cũng chứng tỏ được tinh thần của câu châm ngôn trên.

Nghệ nhân Ama H' Loan chỉnh sửa, hoàn thiện các loại khèn truyền thống của người Êđê. Ảnh: Hoàng Gia

Đó là nghệ nhân Y Bhiông (thường gọi là Ama H’Loan) ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đợt 1 năm 2018 về lĩnh vực chế tác và trình diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống người Êđê. Tôi được biết, với cộng đồng người dân tộc thiểu số này, có nhiều người đam mê và nắm giữ kỹ năng chế tác các loại nhạc cụ từ tre trúc quen thuộc và gần gũi ấy. Tuy nhiên đến nay, không ai có thể vượt được ông trong việc chế tác những chiếc lưỡi gà (một phím tre trúc được chế tác tinh xảo) dùng để gắn vào đầu những chiếc khèn như đing năm, đinh puốt, đing tạc tà… để thổi. Nhiều người đã phải tìm đến nghệ nhân Ama H’Loan để xin “chỉ giáo” vì ông nắm giữ được “bí quyết” chế tác nên bộ phận cốt yếu này đối với các loại khèn. Nói như nghệ nhân Y Míp Ayun, Ama Pô (đội chiêng buôn Kô Siêr, phường Tân lập) hay nghệ nhân Nguyễn Đức (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) rằng: Những chiếc lưỡi gà kia trông đơn giản là vậy, nhưng nó ẩn chứa sự tinh tế đáng kinh ngạc; độ dày mỏng, ngắn dài của những chiếc lưỡi gà tùy thuộc vào cấu trúc của từng chiếc khèn; và chỉ có kỹ năng, kinh nghiệm lâu năm cùng sự mẫn cảm âm thanh tài tình như Ama H’Loan mới có thể hoàn thiện được.

Những nghệ nhân chuyên chế tác nhạc cụ trên cho biết không những ở TP. Buôn Ma Thuột, mà những vùng lân cận khác như: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Buôn Đôn hay xa hơn là Ea Kar, Ea H’leo, Buôn Hồ, Krông Búk, Krông Bông… đều tìm đến Ama H’Loan nhờ chỉnh sửa chiếc lưỡi gà cho các loại khèn truyền thống của dân tộc mình. Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alê Ô, nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk cũng thừa nhận điều đó và chia sẻ thêm: Mỗi khi Đoàn đi biểu diễn hay giao lưu âm nhạc với bạn bè trong nước cũng như quốc tế đều mời ông đến “thẩm định” độ chuẩn âm thanh của những chiếc khèn có gắn lưỡi gà bằng tre trúc mộc mạc ấy.

Nhờ nắm giữ được “bí quyết” trên, nghệ nhân Ama H’Loan không những thành danh mà đời sống của gia đình ông cũng được cải thiện đáng kể. Ông tâm sự: Chế tác, hoàn thiện chiếc lưỡi gà cho một loại khèn kiếm được 10 - 15 nghìn đồng, nhưng làm quanh năm suốt tháng nên thu nhập cũng kha khá, đủ trang trải cho cuộc sống gia đình hằng ngày. Đó là chưa kể nhiều đơn vị làm du lịch, cơ sở chế tác nhạc cụ tre trúc trên địa bàn Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đặt hàng ông làm khèn, chế tác các loại lưỡi gà để biểu diễn, hoặc kinh doanh cũng mở ra điều kiện, cơ hội cho nghệ nhân này thực hành và kiếm sống như một sinh kế ổn định và bền vững. Ông gửi gắm rằng: Chữ nghề phải đi với chữ tâm - từ đó mới thực hiện được lời cổ nhân dạy “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” trong đời sống của mỗi người.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.