Đầu năm viếng mộ thi nhân
Những năm gần đây, văn nghệ sĩ Huế có một thói quen rất đẹp vào mỗi dịp rằm tháng Giêng là tổ chức đi “viếng mộ thi nhân”.
Điểm đến đầu tiên là Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, nơi “Ông già Bến Ngự” từng sống và sau khi ông mất (1940) cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây mộ và nhà thờ. Tại đó, còn có mộ phần của một số nhân sĩ yêu nước khác như Tăng Bạt Hổ…
Điểm đến thứ hai là nghĩa trang chùa Vạn Phước, thăm mộ cụ Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Lại vào trong phía bên phải chùa có mộ nhà thơ Phạm Hầu. Mộ ông ở đó năm 1944, mà phải 50 năm sau con cháu mới trùng tu phụng lập vào năm 1994. Trên bia khắc bài thơ “Vọng hải đài” lừng lẫy của ông, với hai câu cuối: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai?” (Tao đàn). Nhớ có người viết: “Ở giữa đời Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mãi sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một người giàu vô vạn…”.
Đoàn văn nghệ sĩ viếng Nghĩa trang Phan Bội Châu. |
Tiếp đó, đoàn đến Nghĩa trang Phan Bội Châu, nơi an nghỉ của rất nhiều nhân sĩ, trí thức, thi nhân yêu nước. Năm 1932, cụ Phan Bội Châu dành miếng đất tại đây làm nơi yên nghỉ cho các đồng chí của mình bị kẻ thù giết hại. Năm 1934 lập tấm bia (nay vẫn còn) quy định tiêu chuẩn những người được chôn trong nghĩa trang. Thể theo quy ước đó, người đầu tiên được chôn cất tại đây là Nguyễn Chí Diểu, về sau còn có thêm 21 nhân sĩ có công với nước được chính thức chôn tại đây như Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, nhà thơ Thanh Hải, Hồng Sơn Dã Mã Võ Thành Minh, Lê Thị Đàn, Hoàng Thị Phương, Nguyễn Huy Nhu… Tôi nhiều lần đến thắp hương nơi đây, nghe vọng bên tai tiếng sáo đòi hòa bình huyền thoại của Dã Mã Võ Thành Minh…
Đoàn tiếp tục viếng nghĩa trang sau đồi Từ Hiếu. Tại đó, các văn nghệ sĩ viếng thăm vợ chồng nhà thơ Vĩnh Mai – Phương Chi; ngôi mộ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên – Trần Cao Vân; lăng của Hoàng triều Tham tri Bộ Lễ Trần Thúc Nhẫn; và không thể không kể ngôi mộ rất đẹp dưới tán thông xanh của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870), người được tôn xưng “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường”, cũng là người từng được vua Tự Đức xưng tặng là Nhất đại thi ông.
Tiếp tục lên đường đến nghĩa trang Nhân dân, đoàn viếng mộ họa sĩ Bửu Chỉ - người vẽ những bức tranh bút sắt nổi tiếng về tiếng thét đòi tự do, và những bức tranh luận đề sơn dầu cực kỳ ấn tượng sau này. Đó là người nghệ sĩ đích thực luôn tự đánh thức mình trong những giấc mơ về những chân trời mà lửa sáng tạo cháy bùng khôn nguôi.
Tiếp đó là thăm mộ nhà thơ Phương Xích Lô - một thi sĩ kỳ dị của Huế lang bạt hải hồ. Thơ Nguyễn Văn Phương khi còn sống có câu buồn “Sống lang thang chẳng cửa nhà/ Chết không đất táng làm ma phiêu bồng…” (Chân dung tự họa). Nhưng đám tang anh, bạn bè văn nghệ lo vô cùng chu đáo. Ban quản lý nghĩa trang thành phố Huế dành cho Phương một phiến đất, bạn bè xây mộ nấm sen, lại khắc chữ bài thơ “Thiên thu ca” lên một phiến đá hoa cương do một xưởng cưa xẻ đá tặng dựng ngay đầu mộ.
Rồi đoàn đến thăm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà thơ Thái Ngọc San yên nghỉ dưới bóng thông xanh với bia mộ như một vầng trăng khuyết. Khi còn sống, nhà thơ Thái Ngọc San chỉ in tập thơ duy nhất, có câu: “Tôi biết thời gian sẽ chẳng đợi tôi/ Nên tôi cứ đi và đi mãi”. Còn trên mộ Hoàng, có hai câu thơ buốt lòng: “Ta đi để lại bên thềm vắng/ Một đóa vô thường em hái không?”.
Có năm, đoàn đi về Thủy Dương thăm mộ nhà thơ Phùng Quán; thăm mộ nhà văn Thanh Tịnh, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Kha ở trên núi Thiên Thai…
Cuộc đi là hành trình của chữ Tình Thi Nhân, nhưng đó cũng là để tri ân những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ đã cống hiến cuộc đời cho đất nước.
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc