Multimedia Đọc Báo in

Họa sĩ Xu Man - những gì còn lại…

06:27, 24/03/2022

Trên thực tế, cho đến tận hôm nay, ở Tây Nguyên, Xu Man vẫn là người đầu tiên và duy nhất được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Năm 1925, có một cậu bé Bahnar nhút nhát ra đời ở thị xã An Khê của tỉnh Gia Lai ngày nay. Lúc đó, để trả nợ cho nhà giàu, gia đình cậu bé ấy phải di chuyển lên làng Bông, huyện Mang Yang, cách đó mấy chục cây số làm phận tôi đòi. Cậu bé ấy (sau này tên Xu Man), ban đầu được gọi là Dơng hoặc Yơng, tùy theo cách phát âm của mỗi người. Trời cho sức khỏe, Dơng quần quật làm lụng quanh năm, những mong hết nợ cho chủ Môr. Những lúc nghỉ trưa bên nhà mả hay dưới gốc cây, Dơng lấy than, cây que vẽ lên vách ván hoặc mặt đất những bông hoa, những con thú mình hay gặp trong rừng.

Chân dung họa sĩ Xu Man. Ảnh: Ngọc Cảnh

Những năm tháng uất ức cũng qua đi, khi Dơng bí mật giúp đỡ cách mạng rồi gia nhập quân đội ngay trên quê hương mình. Năm 1954, trong biên chế Trung đoàn 120 Tây Nguyên, Dơng tập kết ra Bắc, sau đó được cử đi học văn hóa rồi vào học hội họa ở Trường Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) danh tiếng. Đáng tự hào hơn, chỉ một thời gian ngắn sau khi rũ bỏ thân phận nô lệ, từ năm 1955, Dơng đã thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Xu Man đã có tranh tham dự các triển lãm lớn và đạt giải cao. Năm 1962, hai năm sau lần được gặp Bác Hồ, được trực tiếp nghe Người khuyên nhủ chân tình, Xu Man trở về miền Nam, làm nhiều việc khác nhau, trong đó, chủ yếu là công tác tuyên huấn ở Gia Lai và Kon Tum.

Tranh “Bác Hồ với Tây Nguyên” của họa sĩ Xu Man.

Năm 1974, Xu Man ra Bắc chữa bệnh và hoàn thành chương trình đại học.  Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, ông vào nhận công tác ở Phòng Văn nghệ thuộc Ty Thông tin Văn hóa tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Cuối năm 1983, ông về nghỉ hưu tại làng Bông, xã Ayun, huyện Mang Yang. Sau những trận ốm, ông ra đi vào ngày cuối cùng của năm âm lịch 2007.

Xuất thân từ một gia đình Bahnar mang thân phận tôi tớ, Xu Man đã sống một cuộc đời sôi động và hữu ích. Ông làm mọi việc được cấp trên giao nhưng cũng không quên dành thời gian cho niềm đam mê hội họa của mình. Hàng nghìn tác phẩm của Xu Man tản mác khắp nơi. Chúng luôn rời ông bằng nhiều cách, tự tìm lấy số phận cho riêng mình, dẫu chung một đích đến: làm đẹp cho đời.

Có một điều kỳ lạ và cũng là hi hữu, khi Xu Man trở về với đất, trong nhà ông không còn sót lại một tác phẩm nào. Kể cả giá vẽ, bảng màu… Thật khó giải thích, nên hẳn chỉ có thể nghĩ rằng, người họa sĩ nghèo ấy đã sống một cuộc đời tận hiến. May mắn thay, ngoài những người từng được ông tặng tranh, tại hai bảo tàng mỹ thuật ở hai đầu đất nước – Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – vẫn còn lưu giữ khá nhiều tác phẩm của Xu Man.

Cảnh vật và con người Tây Nguyên trong tranh của ông thuần khiết, giản dị, đẹp và thống nhất. Một chủ đề lớn trong tác phẩm của Xu Man là tấm lòng người dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Ấn tượng từ lần đầu tiên được gặp Bác đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ và lâu bền trong sáng tác của ông.

Xu Man là họa sĩ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Tây Nguyên. Ông tham gia Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1955 - 1982) và khóa II (1983 - 1988); giành giải A hội họa tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976. Năm 2012, họa sĩ Xu Man được truy tặng Giải thưởng Nhà nước cho các tác phẩm: Bác Hồ với tình yêu Tây Nguyên, Bác Hồ với Tây Nguyên (sơn dầu); Ngày hội trên Tây Nguyên, Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên (sơn mài).

Nguyễn Quang Tuệ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.