Multimedia Đọc Báo in

Về đâu “điểm tựa sự sống”?

06:22, 24/03/2022

Lần đầu tiên đến Tây Nguyên, tôi đã ngạc nhiên khi nhìn thấy những cầu thang bắc lên nhà dài Êđê được đẽo gọt công phu với điểm nhấn là hai bầu ngực nhô lên kiêu hãnh - người dẫn đường của tôi gọi đó là “điểm tựa sự sống”.

Điều đáng tiếc là theo dòng thời gian, cuộc sống biến thiên nhanh chóng, đang ngày càng làm cho hình ảnh những cầu thang gắn liền “điểm tựa sự sống” đó ít dần đi.

“Bám lấy mà đi”!

Có lẽ ấn tượng khó quên đối với nhiều người khi đến làm khách ở buôn làng Êđê là được trịnh trọng mời bước lên cầu thang “cái” để đi vào nhà. Cầu thang, vốn dĩ là biểu tượng thiêng liêng của đồng bào, nơi thần linh luôn ngự trị để đón chào những người tốt và xua đuổi những tà mị xấu xa, được người Êđê hết sức chăm chút, chọn gỗ cây rừng lâu năm, đẽo gọt những nấc thang chắc chắn. Theo quy ước, cầu thang lên nhà thường có 5 hoặc 7 bậc, những con số may mắn đem lại tài lộc cho gia chủ. Với độ dốc cao, phần lớn cầu thang có vẻ “thẳng đứng” nên người bước lên đó luôn phải… khom lưng tìm chỗ bấu víu thăng bằng. Chính đây là nguyên nhân để đầu cầu thang luôn có “điểm tựa” là bầu ngực được đẽo gọt đầy đặn, cân đối.

Cầu thang lên nhà dài - nét độc đáo trong văn hóa của người Êđê. Ảnh: Hoàng Gia

Người Êđê bao đời theo chế độ mẫu hệ, uy quyền của người phụ nữ chiếm vị trí tuyệt đối trong gia đình. “Chế độ nữ nhi thượng quyền” đã quy định vị trí chính trong nhà là của người phụ nữ, mỗi ngôi nhà luôn có 4 cầu thang đi lại, thì cầu thang lớn nhất là cầu thang “cái”, đặt cạnh cầu thang “đực” thể hiện vị trí người đàn ông, nhỏ gầy hơn. Hai cầu thang phụ đặt sau nhà, dành cho con trẻ, người làm…

Với 2 cầu thang chính, cầu thang “cái” đẽo gọt bầu ngực làm điểm tựa đi lên, cầu thang “đực” thường khắc hình con rùa, thể hiện vị thế của người đi lên. Ai là khách quý, được chủ nhà mời lên thì mới sử dụng cầu thang “cái”, còn ai tự đến hoặc không được mời, muốn vào nhà thì đi cầu thang “đực”.

Một hướng dẫn viên tại Bảo tàng Buôn Ma Thuột dẫn giải, ý nghĩa cầu thang của đồng bào Êđê khá đặc biệt. Bởi cầu thang là nơi ai cũng phải bước qua để vào nhà, tìm sự thảnh thơi, bình an, hạnh phúc nên người bước lên cầu thang phải xứng đáng. Quan trọng nhất, khi bám vào điểm tựa “bầu ngực” để lên thang, người ta sẽ phải nhớ đến công lao người phụ nữ đã và đang là trụ cột gia đình đó. “Bám lấy mà đi” là một lời nhắc nhở đầy dụng ý. “Bầu ngực phụ nữ tượng trưng cho nguồn dinh dưỡng nuôi sống con người, là hình ảnh cụ thể nhất về trách nhiệm nữ giới trong việc truyền thừa các thế hệ. Đứa trẻ không có sữa mẹ không thể phát triển mạnh mẽ. Người lên thang cũng phải bám vào bầu sữa đó để bước lên một vị trí cao hơn. Nên một cách ẩn dụ, bầu ngực của người phụ nữ ở đầu cầu thang, chính là điểm tựa sự sống mà ngay những nhà văn hóa khắt khe nhất cũng phải gật đầu”, hướng dẫn viên phân tích.

Cần giữ lấy không gian văn hóa!

Một số chuyên gia văn hóa từng chia sẻ, Tổ chức UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản đặc thù của Tây Nguyên hàm nghĩa một yêu cầu rất lớn cho hoạt động bảo tồn bảo tàng văn hóa địa phương, cần phải biết giữ gìn, phát huy những giá trị trong không gian văn hóa chung, chứ không đơn thuần chỉ là vài bộ chiêng hay vài bài hát.

Mà không gian văn hóa chung ấy không hề tách khỏi bếp lửa bao đời giữa nhà dài, không thể tách rời những cầu thang gỗ được đẽo gọt công phu, và nhất là những chi tiết điểm xuyết làm ý nghĩa hơn cho nền tảng văn hóa con người. Bầu ngực phụ nữ Êđê trên đầu mỗi cầu thang “cái” chính là một hiện thân không thể xóa nhòa của không gian văn hóa ấy; đặc biệt trong khái niệm về thái độ tôn trọng, mến khách của đồng bào, chỉ có những ai xứng đáng mới được mời bước lên nhà và được “bám vào điểm tựa sự sống”.

Đáng tiếc là theo dòng thời gian, cuộc sống văn minh hiện đại đang thẩm thấu sâu vào nhịp điệu sinh hoạt mỗi vùng đất. Những ngôi nhà dài truyền thống Êđê đang ngày một ít đi, và nhất là những chiếc cầu thang thể hiện đầy đủ sức mạnh “nữ nhi thượng quyền” cũng dần vắng bóng. Phải chăng, các cơ quan có thẩm quyền và ngành văn hóa cần hết sức quan tâm, để thông qua từng giải pháp cụ thể, vận động người dân, hỗ trợ cộng đồng đồng bào dân tộc gây dựng lại những hình ảnh mang ý nghĩa văn hóa độc đáo này?

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.