Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh

06:16, 24/03/2022

Mong muốn khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã triển khai mô hình “Giữ gìn, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm”.

Đây là mô hình truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho học sinh có nguyện vọng, yêu thích nghề dệt vải truyền thống của nguời Êđê. Thầy Nguyễn Tiến Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ cho biết, việc xây dựng mô hình bắt nguồn từ thực tế trên địa bàn có một hợp tác xã dệt thổ cẩm đang được duy trì hoạt động nhiều năm nay, trong khi học sinh của trường hầu hết lại là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Hy vọng, mô hình các giúp em có cơ hội được tiếp xúc từ sớm và làm quen với nghề truyền thống của dân tộc mình, qua đó khơi dậy niềm đam mê, tình yêu văn hóa truyền thống, cũng như có thể định hướng cho một số em có năng khiếu theo nghề trong tương lai.

Cô H’Hương Niê (bên phải) hướng dẫn con gái dệt vải.

Tháng 2/2022, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai giảng lớp học dệt thổ cẩm đầu tiên cho học sinh của trường, bước đầu thu hút 15 học sinh đăng ký tham gia. Các em được nhà trường tặng chỉ màu phục vụ cho việc học tập. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên sau khi được xem hình ảnh trực quan và các công đoạn dệt vải để hình dung được cách thức thực hiện, học sinh sẽ được giáo viên có tay nghề hướng dẫn và thực hành dệt ở nhà. Ngoài ra, các em cũng sẽ được các bà, các mẹ biết dệt vải trong buôn làng hướng dẫn thêm.

Cô H’Hương Niê (Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ea Tul, giáo viên phụ trách chính tại lớp dệt) cho biết, trong số 15 học sinh của lớp học, em nhỏ tuổi nhất chỉ mới học lớp 2. Thế nhưng, hầu hết các em tiếp thu khá nhanh và tỏ ra rất hào hứng, tham gia học tập chăm chỉ. Mỗi khi làm được một công đoạn mới, bản thân các em rất phấn khởi và mừng rỡ khoe với mọi người. Ban đầu, các em sẽ học những cái cơ bản, cần thiết như: cách xếp sợi, phối màu… để dệt, sau khi thành thạo sẽ hướng dẫn cách dệt các hoa văn và tạo nên những sản phẩm hoàn chỉnh.

Em H’Trúc Niê (học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ) được bà hướng dẫn cách dệt vải.
 
Cùng với việc tổ chức mô hình “Giữ gìn, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm”, nhà trường cũng tổ chức giáo dục, lồng ghép tuyên truyền về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức các hoạt động như đi tham quan bến nước truyền thống của người Êđê, tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh… qua đó hướng các em đến những giá trị cội nguồn”.
 
Thầy Nguyễn Tiến Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ

Hằng ngày, tranh thủ thời gian buổi chiều tối, khi đi thu gom vải đã dệt từ các thành viên trong Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ea Tul, cô H’Hương sẽ ghé nhà học sinh trong lớp dệt thổ cẩm để dạy thêm hoặc hỗ trợ các em khi gặp khó khăn. Nhiều học sinh của lớp học là con em của các thành viên trong Tổ hợp tác, nên quá trình truyền dạy nghề dệt cũng thuận lợi hơn. Bản thân cô H’Hương cũng dạy dệt vải cho hai con gái của mình từ lúc các em học lớp 4, đến nay các em đã lên cấp II và tỏ ra say mê với nghề dệt, ngoài giờ học còn có thể phụ mẹ khâu đồ thổ cẩm, dệt vải...

Say sưa bên khung dệt nhỏ, em H’Trúc Niê (học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ) bày tỏ: “Em đang tập dệt chiếc khăn để cột đầu, sau gần 3 tuần tham gia học, em cảm thấy rất thích thú. Trong quá trình học, vào thời gian rảnh ở nhà, em cũng nhờ bà chỉ dạy thêm khi gặp khó khăn. Em mong muốn sẽ có thể tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống để nghề không bị mất đi, mai một”. Bà H’Nuôm Niê (68 tuổi, buôn Sah B, xã Ea Tul), bà của em H’Trúc trò chuyện: “Nhiều năm gắn bó với nghề dệt, tôi sợ rằng nghề truyền thống của dân tộc sẽ vẫn bị mai một trước nhịp sống hiện đại khi giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với nghề. Thế nhưng, khi trường tổ chức lớp dệt, thấy cháu mình đăng ký tham gia và tỏ ra thích thú với nghề dệt vải khiến bản thân cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Tôi sẽ chỉ dạy thêm để cháu thành thạo với nghề, dệt được nhiều hoa văn đẹp hơn”.

Với sự nỗ lực của nhà trường cũng như giáo viên và các bà, các mẹ tại những buôn làng trên địa bàn xã Ea Tul, hy vọng rằng mô hình “Giữ gìn, phát huy làng nghề dệt thổ cẩm” của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ sẽ được duy trì, phát triển và thu hút nhiều học sinh tham gia hơn nữa, qua đó giúp nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây được gìn giữ và phát triển.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.