Tập quán ẩm thực của người M’nông
Dân tộc M’nông sinh sống tập trung ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và một bộ phận nhỏ cư trú tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước. Đồng bào M’nông vẫn còn bảo lưu vốn văn hóa cổ truyền phong phú và mang đậm bản sắc tộc người, đặc biệt là trong tập quán ẩm thực.
Cách khai thác, bảo quản, chế biến những món ăn thức uống, tổ chức ăn uống trong từng gia đình của người M’nông thể hiện rõ bản sắc tộc người. Trước đây, cách tổ chức ăn uống trong gia đình theo tập quán như sau: Thường nhật, đồng bào ăn ngày ba bữa, ngày lao động nương rẫy mệt nhọc thì ăn thêm bữa lót giữa bữa sáng và bữa trưa (ăn nửa buổi). Ăn sáng xong cả nhà mới đi làm, trừ khi cần phải đi làm sớm thì nấu ngoài rẫy để ăn sáng hoặc gia đình nấu ở nhà rồi đưa cơm đến để ăn. Ăn sáng xong mỗi người mang theo tiêu chuẩn ăn trưa. Ai làm nơi nào thì ăn trưa tại đó. Người nào đi làm đổi công hoặc làm tập thể cũng phải mang cơm nhà mình để ăn trưa. Trừ khi những người đi làm công mà nhà thiếu hụt thức ăn thì báo trước, nhà chủ nấu cơm chiêu đãi. Những món ăn ngon thường dành cho bữa tối. Cả nhà ăn cơm đông đủ sau ngày lao động vất vả. Bữa cơm tối khi nhà có khách thì phải dọn cho khách ăn trước, khách ăn xong rồi cả nhà mới ăn, cơm và thức ăn còn thừa khách để lại, gia đình phải ăn không được bỏ. Trường hợp bữa tối ăn cơm nguội, phải nấu cơm nóng cho khách ăn, không được bới cơm cháy cho khách ăn. Dù có hay không có khách, gia đình dọn bữa ăn chỉ có bầu đựng cơm, tô đựng thức ăn, ống ớt giã và bầu nước. Muỗng ăn cơm là của cá nhân, ăn xong cá nhân cất giữ, ai không có muỗng thì phải ăn bốc bằng tay. Bữa ăn lót ngày tập trung trỉa lúa là xôi nếp. Bữa ăn lót ngày tập trung tuốt lúa là nếp nấu ống. Xôi nếp hoặc nếp nấu ống phải chia phần cho từng người, trẻ con đi theo không làm cũng phải chia cho một phần bằng nhau, đàn bà có thai phải chia hai phần. Bữa ăn lót không có thức ăn.
Thưởng thức rượu cần trong lễ hội của dân tộc M'nông. |
Việc ăn uống ngoài cộng đồng, nhất là trong dịp lễ hội thì có những quy tắc riêng. Thức ăn thường dọn trên lá chuối, đựng trong máng lồ ô kèm theo bầu nước và ống ớt giã.
Đặc biệt, đồng bào M’nông còn có tập tục trong uống rượu cần. Bất cứ uống rượu về việc gì trước tiên phải cúng bàn thờ ông bà, cúng đá bếp và than lửa bếp, cúng bồ lúa và các cửa ra vào, khấn vái tại ché rượu thỉnh mời các vị thần rừng núi, thần suối, thần thác về thụ hưởng. Chủ nhà cúng xong thì mời mọi người nếm rượu đầu. Khi cúng bái họ phải mời người lớn tuổi đại diện cắm cần. Trước khi uống thì đồng bào thường rút ra một ống rượu đầu để dành hương vị ngon ngọt cho những người đến sau. Nếu ché rượu to phải rút ra lượng rượu cần thật nhiều, khoảng một phần hai ché rượu, để khi bà con “đến chơi nhà” có rượu ngon uống ngay. Cúng xong, chủ nhà uống trước mới đến già làng. Chủ nhà bưng rượu mời khách, già làng uống trước rồi mới đến lượt khách. Nếu đoàn khách nhiều người, không thể uống một lúc thì phân ra nhiều lượt, cứ lượt bên chủ, lượt bên khách thay đổi nhau. Người già và người lớn tuổi uống trước, sau đó mới đến thanh niên. Họ thường phân từng lứa tuổi và giới tính, phái nam uống trước, phái nữ uống sau. Người khách nào đến dự tiệc, không chờ đến lượt mình được chủ nhà mời uống mà bỏ về thì không được thắc mắc. Khách đến nhà, chờ lâu nhưng không được mời uống rượu cần thì chủ nhà có lỗi.
Khi gia đình tổ chức tiệc rượu, chủ nhà đích thân hoặc cử người lớn tuổi đi mời bà con từng nhà. Đã mời thì không nên bỏ sót hộ nào. Chủ nhà cắt cử người châm/đổ nước vào ché. Khách đến chơi không được đổ nước. Uống đến sáng phải ăn cháo gà. Người nào không ngủ suốt cả đêm, đến mờ mờ sáng có quyền bắt con gà to nhất của chủ nhà, đập đầu gà vào đầu chủ nhà rồi đập vào đầu mọi người trong nhà cho đến khi con gà chết thì làm thịt gà nấu cháo, hoặc kho ăn cơm sáng. Nếu nhà chủ còn rượu, bà con uống vui đến sáng, sau bữa cơm sáng phải tiếp một ché để tiếp tục uống. Trong lúc uống rượu vui chơi, đồng bào thường đánh cồng chiêng và phải thưởng riêng cho đoàn đánh cồng chiêng một ché rượu.
Tập quán ẩm thực của dân tộc M’nông thể hiện rõ nét ứng xử văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Việc tổ chức ăn uống trong cộng đồng được coi trọng, trở thành khuôn phép, quy tắc theo luật tục. Đồng bào xem việc ăn uống là dịp để thắt chặt tình thân láng giềng, đoàn kết cộng đồng, chia ngọt sẻ bùi.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc