Multimedia Đọc Báo in

Làn điệu pá yông của người M’nông Kuênh

20:02, 15/03/2013

Đối với các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên, trong cuộc sống thường ngày, âm vang của những tiếng cồng, chiêng, tiếng nhạc cụ tre, nứa hay những làn điệu dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu được và đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người.

Nếu như người Êđê có các thể loại kể khan, hát kứt, hát ayray hay hát ru làm say đắm lòng người thì người M’nông Kuênh ở các huyện phía đông tỉnh Dak Lak cũng rất tự hào với ót rông, hay hát pá yông của mình.

Ông Y Krum Êung đang hát ru bằng làn điệu pá yông tại gia đình.
Ông Y Krum Êung đang hát ru bằng làn điệu pá yông tại gia đình.

 

Hát pá yông không chỉ độc đáo về âm điệu mà còn là sự tổng hòa của 2 thể loại hát đối đáp và hát ru. Để làm phong phú và lôi cuốn người nghe, khi hát nghệ nhân có thể đệm nhạc bằng đing tuốt hay đàn môi (guôch). Giá trị của một bài pá yông phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm sống của nghệ nhân vì nội dung của bài pá yông không có trước, câu chuyện kể là do nghệ nhân sáng tác theo ngẫu hứng. Nếu 2 người đối đáp tích lũy được vốn sống càng nhiều thì khi cất lên điệu pá yông càng dài, càng sâu sắc khiến người nghe thán phục, tấm tắc khen ngợi.

Đặc biệt, pá yông còn dùng làm hát ru mà ở các thể loại khác không có. Ông Y Krum Êung ở buôn Hngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) cho biết: “Hát pá yông rất khó vì ở mỗi cuối câu cao độ không rơi vào 7 nốt nhạc căn bản (đồ, rê, mi, pha, son…) mà thường ở những nốt giáng nên người nghe thường có tâm trạng bồi hồi khó tả, người đối đáp dễ cuốn hút theo chủ đề của người hát xướng. Chính vì sự độc đáo đó mà pá yông còn dùng để hát ru con  mà các thể loại khác không có…”. Niềm đam mê đối với pá yông của ông bắt nguồn từ những ngày ấu thơ khi được cha mẹ hát ru. Và cứ thế làn điệu pá yông đã ngấm vào tâm trí từ lúc nào không biết. Sau này lớn lên, được gia đình truyền lại, cộng với niềm đam mê học hỏi thêm của các nghệ nhân đi trước nên ông đã hát được làn điệu này.

Hiện nay các nghệ nhân hát pá yông ở các buôn người M’nông không còn nhiều, nếu còn thì họ cũng đã ở tuổi “cổ lai hi”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ, có chính sách bảo tồn để những người biết hát pá yông có cơ hội truyền lại cho thế hệ mai sau.

Mai Viết Tăng 


Ý kiến bạn đọc