Multimedia Đọc Báo in

Đi tìm sắc màu Nam Đảo

10:04, 26/04/2022

Indonesia, Malaysia, Brunei là những quốc gia Đông Nam Á hải đảo hay còn gọi là vùng Nam Đảo. Các nước này cùng nằm trên một hòn đảo lớn nhất Đông Nam Á là đảo Borneo. Indonesia nằm phía đông, Malaysia và Brunei nằm phía tây của hòn đảo.

Ngoài đảo Borneo, Indonesia còn có khoảng 17.508 hòn đảo nên được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo”; lãnh thổ của Malaysia nằm trên các bán đảo kéo dài từ đông sang tây và nối lên phía bắc tiếp giáp với Thái Lan. Hầu hết ngôn ngữ của các dân tộc nơi đây thuộc ngữ hệ Nam Đảo, giống như các dân tộc Chăm và các tộc người ở Tây Nguyên Việt Nam như Êđê, J’rai, Raglai, Chu Ru.

Chẳng những các dân tộc Nam Đảo và Tây Nguyên có cùng ngữ hệ, cùng chủng tộc (Austronesien) mà còn giống nhau về một số “mã gene” về văn hóa, những dấu ấn cổ xưa còn lưu lại đến ngày nay. Đó là những bằng chứng khoa học để nhận biết, suy đoán nguồn gốc Nam Đảo của các dân tộc Mã Lai Đa Đảo ở Việt Nam.

Trang sức lông chim của các vũ công Kalimantan sống trên đảo Borneo.

Indonesia có văn hóa vô cùng đa dạng với gần 350 nhóm dân tộc như Java, Sunda, Madura, Batak, Bugis sinh sống ở những hòn đảo khác nhau như Bali, Java, Tây Timo, Sumatra, Aceh, Padang... Người Java (hay người Chà Và) có dân số đông, chiếm 41% tổng số dân với khoảng 86 triệu người; ngược lại, người Kalimantan ở tỉnh Pa Pua thuộc miền đông Indonesia chỉ có vài trăm người. Một đất nước đa sắc tộc nên có đến hơn 700 ngôn ngữ khác nhau. Malaysia là quốc gia có nhiều sắc tộc sống ở phía tây đảo Borneo và bán đảo Malaysia như dân tộc Malay, Bajau, Orang Ulu, Marut, Dayak... Riêng cộng đồng Dayak gồm hàng trăm bộ tộc nhỏ cư trú rải rác khắp đảo Borneo như bộ tộc Dayak Ngaju, Dayak Iban, Dayak Baritos, Dayak Kayan, Dayak Benuaqs, Dayak Embaloh… Mỗi bộ tộc nhỏ lại có một nền văn hóa, luật lệ, phong tục khác nhau.

Các dân tộc Dayak, Kalimantan, Marut, Orang Ulu… có nét tương đồng về văn hóa với các dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên. Có thể nhìn thấy rõ nhất ở tập quán ăn mặc, phục sức, hóa trang. Họ mặc áo vỏ cây, đeo mặt nạ gỗ, trang sức nanh, vuốt thú, sử dụng lông chim cắm trên vành mũ đội trên đầu. Cách hóa trang, vẽ, bôi màu trên mặt cùng các bộ phận trên thân thể cũng giống với đồng bào Bắc Tây Nguyên như J’rai, Bhanar thường thực hành trong lễ hội Pơthi. Phụ nữ Dayak thường căng dái tai mình bằng những chiếc vòng kim loại nặng. Đây là cách làm đẹp tương tự các dân tộc thiểu số ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên của Việt Nam như M’nông, Mạ, Stiêng, Cơ Tu, Tà Ôi, Brâu… Đặc biệt, dấu ấn thiên nhiên rừng nhiệt đới được diễn tả đẹp mắt trong trang phục kỳ lạ của họ. Chất liệu từ thiên nhiên như cây, lông vũ và da động vật được các tộc người, tiêu biểu như dân tộc Kalimantan trang trí trên trán và cổ tay.

Phục sức và hóa trang trên thân thể của đàn ông ở đảo Tây Pa Pua.

Thổ dân vùng Tây Pa Pua trước đây sinh sống bằng nghề săn bắn chim thú. Cung tên bằng tre là dụng cụ để săn bắn. Đàn ông đeo nhiều món trang sức làm từ răng nanh của động vật hoang dã, vỏ ốc, sò điệp… Đó là những món trang sức tượng trưng cho danh vọng của người đàn ông Tây Pa Pua. Đặc biệt, họ dùng bột màu để vẽ mặt, chân tay... Đàn ông để ngực trần, mặc váy tua rua làm bằng vỏ, rễ cây. Trang phục của phụ nữ thổ dân ở vùng Tây Pa Pua cũng giống với nam giới. Váy của người phụ nữ được làm từ rơm, rễ cây, lá cây. Lông vũ của đà điểu đầu mào, chim thiên đường, công… được dùng như phụ kiện trang sức.

Theo truyền thống, nhiều thế hệ người Dayak cùng sinh sống trong những căn nhà sàn có chiều dài hơn 50 m, có sức chứa từ 30 - 40 gia đình giống như dân tộc Êđê, J’rai ở Tây Nguyên trước đây. Đặc biệt, trong kiến trúc nhà cửa, nhiều dân tộc vùng Nam Đảo còn bảo lưu loại nhà có mái hình chiếc thuyền và hai bên vách nhà hơi thu hẹp về phía dưới gống y như mạn thuyền. Đây cũng là kiểu kiến trúc thường thấy ở các đền tháp Chăm với mái tháp hình thuyền hoặc nhà sàn hình con thuyền lướt sóng của dân tộc J’rai, Êđê - các tộc người ở tận cao nguyên miền núi nhưng vẫn còn bảo lưu đậm nét dấu vết cư dân Nam Đảo, văn hóa biển. Có điều, ở Malaysia và Indonesia, kiến trúc nhà hình thuyền là di sản được bảo tồn khá nguyên vẹn, là điểm thu hút du khách, còn ở Tây Nguyên, nó được tái hiện trong kiến trúc mang phong cách hiện đại và đang thưa vắng dần ở các buôn làng.

Những người đàn ông ở đảo Java với gương mặt, nước da, vóc dáng giống như đàn ông các dân tộc J’rai, Êđê ở Tây Nguyên.

Sự đa dạng văn hóa tạo sức hút khó cưỡng cho du khách khi khám phá các quốc gia Nam Đảo. Cách bảo tồn văn hóa truyền thống và làm du lịch của họ thật có chiều sâu. Sản phẩm cho du lịch không chỉ là tấm vải batik, ikat có giá trị thẩm mỹ mà còn có di tích lịch sử, kiến trúc nhà cửa, tái hiện không gian cư trú cổ xưa của các cư dân, làng nghề truyền thống, các bảo tàng chuyên đề và cả chương trình biểu diễn thời trang đặc sắc. Trong các sự kiện lớn luôn có màn trình diễn sắc màu dân tộc với các trích đoạn lễ hội, điệu múa, âm nhạc và trang phục truyền thống của các cư dân sống ở những hòn đảo.       

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.