Multimedia Đọc Báo in

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (kỳ 3)

08:11, 26/04/2022

Kỳ cuối: Lan tỏa tình yêu sách

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển văn hóa đọc, đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Đẩy mạnh tương tác với bạn đọc

Kế hoạch số 9103/KH-UBND ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” nhấn mạnh đến vai trò của thư viện. Theo đó, hoạt động thư viện được quan tâm và đạt những kết quả đáng kể, tổng số vốn tài liệu, số thẻ, lượt bạn đọc, tổng số bản sách luân chuyển của thư viện tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước.

Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đầu tư, xây dựng góc thư viện khang trang ngay trong khuôn viên để phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Ea Kar), bên cạnh đầu tư trang bị nhiều loại sách phong phú (sách giáo khoa, sách tham khảo, sách khoa học, truyện chữ, truyện tranh, sách ngoại ngữ...), thư viện nhà trường còn có không gian thoải mái, thư giãn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đọc sách. Qua đó nhằm khơi dậy niềm hứng thú, yêu thích đọc sách cho mỗi học sinh, dần hình thành phong trào đọc sách, văn hóa đọc ngay trong nhà trường.

Học sinh chọn sách ở một cửa hàng sách tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được nhiều đơn vị trong tỉnh quan tâm triển khai, thông qua các hoạt động, hội thi sôi nổi, thiết thực được triển khai hằng năm. Nổi bật trong đó có cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc (ĐSVHĐ) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thường niên, thu hút hàng nghìn lượt học sinh các cấp trong toàn tỉnh tham dự, tranh tài. Thí sinh gửi bài chia sẻ về một cuốn sách yêu thích, sáng tác một tác phẩm truyện hoặc thơ về chủ đề khích lệ mọi người đọc sách, hoặc viết tiếp lời cho một câu chuyện đã được đọc...

Năm 2021, có 47 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi, với số lượng là: 5.517 bài (tăng 27,8% so với năm trước đó); kết quả có 22 bài đạt giải được chọn gửi tham gia Cuộc thi ĐSVHĐ toàn quốc và đã đạt 3 giải Khuyến khích.

Em Phạm Anh Thái (Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Ea Kar), thí sinh đạt giải Cuộc thi ĐSVHĐ toàn quốc năm 2021 tâm sự, khi tham gia cuộc thi ĐSVHĐ thì em hiểu hơn về việc đọc sách, bước đến một chân trời mới về kiến thức, thêm nhiều bài học về cuộc sống, biết vượt qua khó khăn.

 

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 tại Đắk Lắk được tổ chức với nhiều hoạt động như: trưng bày các loại sách theo các chủ đề; tổ chức tọa đàm, giao lưu; giới thiệu tác giả, tác phẩm mới và giao lưu tác giả với bạn đọc; quyên góp sách, trang thiết bị đọc sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới và các đối tượng bảo trợ xã hội...

Thông qua cuộc thi khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Riêng năm nay, cuộc thi ĐSVHĐ có sự phối hợp của Tỉnh Đoàn nhằm thu hút đông đảo hơn đoàn viên, thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên tham gia.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà phát hành đã chung tay đóng góp, chia sẻ, đưa sách gần hơn với công chúng. Các nhà sách có những đợt giảm giá sách để người dân có cơ hội mua được nhiều sách hơn; thực hiện các minigame, phần thưởng là những cuốn sách.

Trong các cuộc vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Đắk Lắk, nhiều nhà sưu tầm, người dân đã hiến tặng những cuốn sách quý để bảo tàng lưu giữ, cung cấp thông tin cho người đọc.

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022, Công ty Cổ phần Sbooks phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xoay quanh nội dung tuổi trẻ với văn hóa đọc, tặng sách cho thư viện cộng đồng... Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần đẩy mạnh, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh thực hiện triển lãm Báo Xuân trực tiếp, Thư viện tỉnh còn triển lãm Báo Xuân trực tuyến để lan tỏa rộng rãi đến bạn đọc. Ảnh: TVT

Ứng dụng chuyển đổi số

Hiện nay, với sự bùng nổ các thiết bị điện tử thông minh, sự tiện lợi của mạng Internet… thì việc ứng dụng chuyển đổi số trong việc phát triển văn hóa đọc là điều hết sức cần thiết.

Thời gian qua, bên cạnh loại hình tài liệu in truyền thống, Thư viện tỉnh đã đầu tư, phát triển vốn tài liệu theo xu hướng thư viện điện tử: với gần 9.887 tài liệu điện tử, xây dựng website, số hóa cơ sở dữ liệu sách địa chí, cơ sở dữ liệu sách bài trích địa chí toàn văn, triển khai cập nhật và cung cấp các nguồn tài nguyên số, sách điện tử và chia sẻ hơn 700 tài liệu toàn văn đến 13 thư viện huyện và 2 thư viện trường… để phục vụ cho nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của người dân.

Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2021, Thư viện tỉnh đã tổ chức triển lãm hơn 300 tài liệu trực tuyến trên cổng thông tin thuviendaklak.org.vn và trang Facebook thu hút 1.062 lượt bạn đọc là học sinh, sinh viên và những người đam mê đọc sách tham quan trực tuyến, nhiều bạn đọc đã liên hệ thư viện để mượn tài liệu…

Trong thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ xây dựng các video phát trên trang thông tin điện tử thuviendaklak.org.vn và Fanpage của Thư viện tỉnh giúp nhu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc ngày càng đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân còn phát minh ra các phần mềm, ứng dụng sách nghe, sách nói, sách điện tử, sách 3D thực tế ảo… gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo nhằm kích thích phát triển văn hóa đọc, giúp người dân thêm yêu thích sách, lắng nghe và phát triển.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.