Nhà rông mô hình - kiến trúc Tây Nguyên thu nhỏ
Nhà rông là công trình sáng tạo văn hóa vật chất sáng giá nhất của các dân tộc Bana, Xê Đăng, J’rai, Giẻ Triêng. Nhà rông tọa lạc giữa làng, là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của cộng đồng làng: lễ hội, vui chơi, hội họp, đón tiếp khách quý, là nơi các già làng thường lui tới giải quyết, công bố những quyết định liên quan đến vận mệnh cộng đồng.
Bên cạnh nhà rông ngoài thực địa, đồng bào Tây Nguyên còn sáng tạo nhà rông mô hình, nhà rông thu nhỏ với nhiều kích thước, tỷ lệ khác nhau. Đây là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình mô phỏng, tái hiện vài nét đặc trưng nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc. Nó được các nghệ nhân tạo ra và được giữ gìn tại buôn làng như một báu vật. Mỗi khi buôn làng tổ chức lễ hội truyền thống hoặc tham gia các sự kiện văn hóa lớn như ngày hội giao lưu văn hóa, ngôi nhà rông mô hình thường xuất hiện. Nhà rông mô hình còn là hiện vật trưng bày ở các bảo tàng và là sản phẩm lưu niệm quý giá của khách du lịch khi đến Tây Nguyên.
Đám rước khiêng nhà rông mô hình và giàn rối trong lễ hội của dân tộc J’rai. |
Ngôi nhà truyền thống của buôn làng chính là niềm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Đồng bào khai thác những vật liệu có sẵn trong rừng như gỗ, tranh, tre, nứa, lá, mây... tạo nên một ngôi nhà có dáng vóc uy nghi, hoành tráng, mái nhà có hình lưỡi búa vút cao như tạc vào trời xanh. Mái nhà rông chẳng những có hình dáng đẹp mà còn là nơi để nghệ nhân gửi vào đó những nét tài hoa của nghệ thuật trang trí hoa văn, chạm trổ, tạo hình, nhất là trên đỉnh nóc. Việc làm nhà rông truyền thống gần giống với sáng tạo nghệ thuật, nơi in đậm dấu ấn cá nhân con người với tư cách chủ thể sáng tạo, nơi tài hoa cá nhân được phát tiết một cách tự do nhất, say mê, hào hứng nhất... Đồng bào Tây Nguyên quan niệm rằng mái nhà rông cao vút kia là nơi hội tụ khí thiêng của trời đất, là cầu nối giữa con người với vũ trụ. Do vậy, nhà rông là nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với các vị thần linh, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của cộng đồng.
Nguyên vật liệu để các nghệ nhân sáng tạo nhà rông mô hình không khác nhà rông ngoài thực địa, chỉ khác nhau về tỷ lệ. Tấm lợp là một thành phần làm nên mái nhà, tạo nên phong cách, không gian kiến trúc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên môi trường, khí hậu của từng vùng, tập quán cư trú của mỗi dân tộc. Ngoài cỏ tranh, đồng bào Tây Nguyên còn khai thác một số lá cây trong rừng để lợp mái nhà làng như mây, cọ. Đồng bào J’rai cư trú ở phía tây, dọc theo vùng biên giới thường hái lá sol dài như lưỡi kiếm, dày và cứng để lợp mái nhà rông mô hình. Mái rông lợp bằng lá sol hiện lên sẫm màu đất bazan, các mô típ hoa văn trang trí trên nóc và viền mái cùng với cấu kiện như sàn, cột, cầu thang, mặt tiền, cửa ra vào làm cho nhà rông mô hình luôn rất đẹp mắt.
Các cô gái J’rai múa xoang xung quanh nhà rông mô hình trong ngày hội giao lưu văn hóa dân tộc Tây Nguyên. |
Bên cạnh nhà mô hình lợp bằng cỏ tranh, lá sol, các nghệ nhân còn dùng mây, tre, nứa để tạo thành mái nhà rông theo lối đan lát truyền thống. Trước kia, tiêu chuẩn nhà rông đẹp phải có “chiếc áo” mới. Nhà vừa lợp xong, người ta đan một tấm thảm hoàn toàn bằng mây, tre, nứa với kích thước vừa bằng mái trước và mái sau nhà rông. Mọi người tập trung kéo tấm thảm này lên cao, khoác lên hai bên mái một chiếc áo còn tươi mới màu nan. Mái trước được trang trí hoa văn hình học với các cụm hình vuông liên hoàn và đối xứng với nhau, có cảm giác như mái nhà thêm rộng rãi. Trên đỉnh mái nhà là những mảng trang trí tinh tế gồm những hình thoi liên tiếp nối nhau là biểu hiện của núi đồi chập chùng, mênh mang. Trên mái là bức tranh hội họa bằng hình học sinh động với mô típ quen thuộc như hình sóng nước, hình thoi, hình tam giác, hình vuông, những hình tam giác ghép lại để tạo hình chong chóng. Nổi bật trên mái rông là hình hoa văn ngôi sao tám cánh. Với nhà rông mô hình có kích thước nhỏ, khâu sáng tạo, đầu tư công sức chủ yếu bằng nghệ thuật đan lát nên cho phép nghệ nhân tái hiện, phục dựng nhà rông cổ xưa từng “một thời vang bóng”.
Nhà rông mô hình là báu vật, vật thiêng trong lễ hội ở buôn làng và các lễ hội giao lưu văn hóa do các cấp, các ngành tổ chức. Trong lễ hội của dân tộc J’rai, đi cùng đội hình diễn xướng cồng chiêng, múa xoang (suang) còn có đám rước mô hình nhà rông, khiêng nồi đồng, giàn rối gỗ, giàn trống, giàn chiêng tạo nên nét độc đáo, vui nhộn, rộn ràng của khung cảnh lễ hội. Nếu ở làng, trước sân nhà rông là nơi thường diễn ra các hoạt động diễn xướng thì ở các “lễ hội sân khấu hóa”, ngày hội giao lưu văn hóa, liên hoan cồng chiêng..., nơi đặt nhà rông mô hình là tâm điểm, thu hút các nghệ nhân, diễn viên, khán giả thưởng thức nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc