Multimedia Đọc Báo in

Về Gò Nổi nghe chuyện câu đối viếng Nguyễn Thân

09:10, 28/05/2022

Từ Tỉnh lộ 610 B, theo con đường nhỏ ra cánh đồng của thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) là tới lăng mộ tiến sĩ Phạm Tuấn đã được tỉnh Quảng Năm xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

Theo tiểu sử khắc trên bia đá và công trạng mà gia phả dòng tộc lưu giữ thì Phạm Tuấn sinh ngày 24/11/1852 tại làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay xã Điện Quang - người dân xứ Quảng bao đời nay đều gọi vùng đất này là Gò Nổi bởi làng mạc được hai nhánh sông Thu Bồn bao bọc. Sau khi đỗ cử nhân vào năm 1879, đến năm 1885 Phạm Tuấn khăn gói tham dự thi hội, thi đình đỗ tiến sĩ nhưng thời cuộc biến loạn không cho ông tấm văn bằng bởi rạng sáng 23/5 năm Ất Dậu 1885, Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết phát lệnh tấn công vào hai mục tiêu quân sự của thực dân Pháp tại Huế. Cuộc chiến đấu diễn ra vài giờ thì trời sáng rõ, quân Pháp mở cuộc phản công tổng lực. Do có sự chênh lệch về vũ khí và lực lượng, vua Hàm Nghi và quân lính rời khỏi kinh thành.

Mấy năm sau chiến sự bắt đầu trầm lắng, Phạm Tuấn lần lượt nhận các chức huấn đạo huyện Quế Sơn, quyền nhiếp chính tri huyện Hà Đông rồi rút về kinh với chức chủ sự (một chức quan trưởng phòng trong một bộ phận thuộc bộ), đến năm 1898 bổ chức giáo thụ Thăng Bình. Tuy làm quan dạy học nhưng cái bằng tiến sĩ hụt năm nào cứ ám ảnh mãi nên ông nuôi mộng lấy bằng được tấm bằng tiến sĩ. Năm Mậu Tuất 1898, triều đình mở khoa thi hội, thi đình, Phạm Tuấn cùng các ông Phạm Liệu, Phan Quang đỗ tiến sĩ, Ngô Chuân và Dương Hải Tiến đỗ phó bảng, được vua Thành Thái ban sắc tặng “Ngũ phụng tề phi” cho vùng đất xứ Quảng. Lần này Phạm Tuấn cầm chắc bằng tiến sĩ trong tay nên sau khi trở về quê nhà vinh quy bái tổ xong, ông được triều đình đưa vào trường hậu bổ ở Huế học tiếng Pháp rồi thăng chức Thị giảng học sĩ tại vương triều. Là vị quan giỏi chữ nghĩa nên từ các năm 1903 đến 1908 ông được bổ làm giám khảo Trường thi Bình Định, đốc học Hà Tĩnh rồi lại cải hàm quan lộc tự thiếu khanh tại kinh thành (chức quan phụ trách lễ lạt, tế tự, triều hội, yến tiệc của cung đình), sau đó được phong Hồng lô tự khanh (chức quan lo việc tiếp đón các sứ đoàn nước ngoài). Đây là chức quan cuối cùng trước khi ông về nghỉ hưu và rời cõi tạm ngày 14/4/1917.

Mộ tiến sĩ Phạm Tuấn giữa cánh đồng làng Xuân Đài.

Gần như suốt cả thời gian làm quan, Phạm Tuấn chỉ gắn bó chủ yếu với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Ông rất giỏi sáng tác thơ, văn và câu đối càng nổi tiếng. Theo sách “Phong trào Duy Tân” của Nguyễn Văn Xuân (NXB Đà Nẵng - 1995) thì Nguyễn Thân, sinh năm 1854, quê huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là vị quan võ triều Nguyễn. Thân là kẻ phối hợp với giặc Pháp mang quân vương triều đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương, một kẻ phản quốc, đại quyền sau vua. Nguyễn Thân rời kinh về nghỉ hưu và chết tại quê năm 1914. Hay tin Nguyễn Thân chết, triều đình liền cử Phạm Tuấn viết câu đối để viếng Nguyễn Thân. Ngẫm nghĩ thấy Nguyễn Thân là kẻ tay sai, phản bội, gây nhiều tội ác với nước, với dân, Phạm Tuấn liền viết hai câu đối đầy mỉa mai, thâm thúy: “Sinh ông, tử như ông, sinh tử như ông bất/Công cái thế, danh cái thế, công danh cái thế vô”. Nghĩa là: “Sống như ông, chết như ông, sống chết như ông không ai có/ Công nhất đời, danh nhất đời, công danh nhất đời rõ không”. Hai câu đối của ông được triều đình cho thêu bằng chữ vàng trên tấm liễn được các quan đại thần mang tới phúng viếng.

Từ nước Pháp nhận được tin cha mất, Nguyễn Hy - con trai Nguyễn Thân bay về nhưng tang sự của cha đã xong, chỉ còn nghe thiên hạ bàn tán về hai câu đối của kinh đô viếng cha mình. Đọc đi, đọc lại hai câu triều đình Huế dành tặng cha, thấy có điều gì không bình thường về các câu đối ấy, Nguyễn Hy quyết tâm tìm hiểu và biết được tác giả chính là tiến sĩ Phạm Tuấn, quan giáo lễ rất căm ghét Nguyễn Thân, liền dâng đơn khởi kiện cho rằng Phạm Tuấn đã lăng mạ, xúc phạm cha mình, đề nghị công đường trị tội. Hôm xử án, vị quan xét xử đặt lên bàn tấm liễn có hai câu đối viếng Nguyễn Thân, hỏi: “Nguyên cớ chi ông lại chơi khăm ông Nguyễn Thân?”, Phạm Tuấn mỉm cười, bình thản trả lời: “Các ông hãy xem hai câu đối ấy ai là người viếng? Rõ ràng là triều đình phúng điếu chứ tôi đây có can dự chi mô. Chữ thêu hai câu đối còn rành rành ra đó chứ mất đi đâu. Ai kiện thì cứ đi kiện triều đình còn tôi chẳng dính dáng chi ở đây cả”.

Dù quan xét xử hiểu hàm ý thâm sâu của hai câu đối viếng Nguyễn Thân, muốn bênh vực cho Nguyễn Hy nhưng trước sự tự bào chữa cho mình đầy lý lẽ thuyết phục, được nhiều người vỗ tay đồng tình nên đành hạ giọng. Thế là cuộc xét xử phải kết thúc trước tài trí thông minh, sắc sảo của Phạm Tuấn.

Thái Mỹ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.