Multimedia Đọc Báo in

Những bí ẩn bên dòng Ea H’leo

07:56, 06/06/2022

Nằm trong khung niên đại từ khoảng 3.500 năm đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, di tích Thác Hai (nằm ở bên bờ sông Ea H’leo, thuộc xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp) được đánh giá là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, lại vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn…

Vén màn bí mật Thác Hai

Di tích Thác Hai nằm trong hệ thống các di tích trong vùng sinh thái gò đất ven sông Ea H’leo. Di tích được phát hiện lần đầu vào năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021. Kết quả cho thấy, đây là một di tích quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với khảo cổ học Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nhằm nghiên cứu sâu hơn, từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khai quật di tích khảo cổ học này lần thứ hai. Các nhà khảo cổ học đã mở 3 hố khai quật với tổng diện tích 58 m2. Từ đây, các di tích đã xuất lộ trong hố khai quật gồm mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và dấu tích lò, xỉ lò. Cùng với đó, đã có hàng nghìn di vật thu được tại các hố, cụ thể như: 190 bàn mài, mảnh vỡ bàn mài; 14 hòn kê, 32 rìu/bôn, đặc biệt là 1.596 mũi khoan, 205 phác vật mũi khoan, 1.244 hạt chuỗi thủy tinh…

Tham quan hình ảnh khảo sát và khai quật di tích Thác Hai.

Qua kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học cho rằng di tích Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 3500 năm đến khoảng 2000 năm cách ngày nay và tồn tại kéo dài trong khoảng hơn 1.000 năm với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc Hậu kỳ Đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi và mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Giai đoạn muộn thuộc thời đại Đồ sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh.

Các nhà khảo cổ học cho rằng, Thác Hai có thể là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất Tây Nguyên. Các điểm khảo cổ ở Tây Nguyên thường có tầng văn hóa dày trung bình 50 – 70 cm, địa điểm dày nhất ở Lung Leng cũng chỉ trên dưới 1 m, nhưng Thác Hai ngay cả khi không tính lớp thứ hai (thời cận đại) thì tầng văn hóa ở đây vẫn dày khoảng 2 m.

Những phát hiện độc đáo

Tiến sĩ Trương Đắc Chiến (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) – chủ trì khai quật cho biết, quá trình khai quật cho thấy, đồ đá là loại di vật chủ đạo, trong đó chiếm vị trí nổi bật nhất là 1.596 mũi khoan các loại. Mũi khoan được làm từ các loại đá opal, silic, phtanit với nhiều màu sắc khác nhau; được dùng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tác đồ trang sức đá. Điều đáng chú ý là hầu hết mũi khoan đều chưa có dấu vết sử dụng.

Từ những tư liệu khảo khổ cho thấy, Thác Hai là công xưởng chế tác mũi khoan và hạt chuỗi đá duy nhất ở Tây Nguyên và là một trong những công xưởng hiếm hoi ở Việt Nam. Điều đáng nói, các công xưởng như Bãi Tự, Tràng Kênh, Bãi Bến ở miền Bắc còn ở dạng phác vật, hoặc chỉ được ghè đẽo, tu chỉnh có kích thước khá lớn, thì những mũi khoan ở Thác Hai lại có kích thước nhỏ nhắn, ghè tu chỉnh và mài toàn thân với mục đích khoan xuyên tâm chế tác hạt chuỗi. Sự khác biệt này đã làm nên tính độc đáo của di chỉ Thác Hai. Cũng cần nhấn mạnh là phần lớn mũi khoan ở Thác Hai chưa qua sử dụng và nó cho thấy là những sản phẩm làm ra để xuất đi nơi khác. Đó là tín hiệu để tìm hiểu hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các công xưởng chế tác đá trong thời Tiền sơ sử ở Tây Nguyên và Việt Nam.

Có 1.244 hạt chuỗi thủy tinh được khai quật tại di tích Thác Hai trong đợt 2.

Cũng theo Tiến sĩ Trương Đắc Chiến, điểm quan trọng nữa trong khai quật đợt hai này là những tín hiệu của hoạt động sản xuất hạt chuỗi thủy tinh tại chỗ. Tín hiệu thể hiện ở chỗ là độ mật tập của thủy tinh trong một diện tích rất nhỏ, chỉ hơn 10 m2, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy 1.244 hạt chuỗi khác nhau, trong đó có những hạt chuỗi thứ phẩm, phế phẩm, các mảnh thủy tinh nguyên liệu và nhất là sự có mặt của các hạt đá quartz trong địa tầng – một dạng silic được dùng chế tác nguyên liệu thủy tinh. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, bởi hạt chuỗi thủy tinh tìm được rất nhiều trong các di tích khảo cổ thời đại Đồ sắt ở Việt Nam, từ miền Bắc đến miền Nam. Tiến sĩ Trương Đắc Chiến nhấn mạnh: “Bởi chưa tìm được nơi sản xuất tại chỗ nên các nhà khảo cổ học từng cho rằng nó được nhập từ bên ngoài, tuy nhiên tín hiệu sản xuất thủy tinh tại chỗ ở Thác Hai gợi mở trung tâm sản xuất hạt chuỗi thủy tinh ngay tại Tây Nguyên. Điều này để chúng ta nhận thức lại, nhận thức rõ thêm không chỉ lịch sử của Tây Nguyên, của Việt Nam, mà toàn khu vực”.

Tiếp tục khai quật di chỉ càng sớm càng tốt

Tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ hai do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức vừa qua, các đại biểu đã có nhiều nhận xét tâm huyết. 

Theo các nhà khảo cổ học, hiện nay, diện tích còn có thể nghiên cứu của di tích Thác Hai là khoảng 7.000 m2. Tuy nhiên, di tích đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ rất lớn bởi các trận lũ từ sông Ea H’leo vào mùa mưa. Rất có thể, một phần lớn di chỉ, tức nửa phía đông của gò Thác Hai đã bị phá hủy bởi các trận lũ quét. Tiến sĩ Trương Đắc Chiến hy vọng, lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khai quật càng sớm càng tốt, trên quy mô lớn hơn, nhằm thu thập các di tích di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất.

Toàn cảnh di tích Thác Hai bên dòng sông Ea H'leo. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị, với tình hình thực tế hiện nay, UBND huyện Ea Súp cần tiếp tục vận động quần chúng nhân dân chung tay bảo vệ phát huy giá trị di tích Thác Hai, phối hợp các chuyên gia trong công tác khai quật mở rộng, trưng bày hiện vật tại địa bàn. Đồng thời mong muốn Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk đào tạo cán bộ thực hiện công tác khai quật, trưng bày hiện vật, sưu tầm hiện vật và xem xét đề xuất tổ chức Hội thảo khảo cổ học cấp quốc gia tại tỉnh Đắk Lắk.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Súp Phạm Công chia sẻ, sau khi di chỉ Thác Hai được phát hiện, địa phương rất vui mừng, tự hào, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng tỉnh khảo sát, khai quật. Việc khoanh vùng bảo vệ và tiến hành nghiên cứu di tích Thác Hai lâu dài là rất khó, tuy nhiên về phía huyện rất mong được thực hiện phương án này. Hy vọng, sự giúp đỡ của UBND tỉnh, các ngành chức năng sẽ giúp huyện Ea Súp triển khai bờ kè để bảo vệ di tích; đồng thời trong tương lai sẽ phát triển du lịch ở nơi này. Thực tế, di tích Thác Hai cách không xa Tháp Yang Prông - Di tích kiến trúc quốc gia duy nhất trên địa bàn tỉnh cũng như khu vực Tây Nguyên, thuộc địa phận thôn 5, xã Ea Rốk. Điều này hứa hẹn sẽ đánh thức, phát huy tiềm năng văn hóa, du lịch của huyện để đưa các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương đến gần hơn với nhân dân cả nước.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc