Multimedia Đọc Báo in

Nghe “Hồn tre Tây Nguyên” kể chuyện

06:51, 05/06/2022

Tôi đến Bảo tàng Đắk Lắk tham quan Triển lãm chuyên đề “Hồn tre Tây Nguyên” được mở cửa từ ngày 19/4 vừa qua.

Không gian trưng bày triển lãm khá mạch lạc, rõ ràng làm nổi bật ba chủ đề: Nghề đan lát thủ công truyền thống; Nhạc cụ dân gian làm từ tre nứa; Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, với 109 hình ảnh và 55 hiện vật sinh động, tái hiện phần nào đời sống của các tộc người Tây Nguyên vốn gắn bó mật thiết với loài cây này từ bao đời nay.

Từ những hình ảnh, hiện vật trên đã "kể" cho tôi nghe câu chuyện về “Dòng chảy văn hóa của tre trúc” Tây Nguyên. Quả thật nó hiện diện sâu đậm khắp nơi trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản xứ. Nghề đan lát tre, nứa đã trở thành sinh kế của hầu hết các tộc người ở đây và cho họ nguồn sống tối thiểu xưa nay. Hơn thế, từ vật liệu gần gũi, mộc mạc ấy người Tây Nguyên còn sáng tạo nên một thế giới âm nhạc dân gian đồ sộ, độc đáo và giàu bản sắc nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của mình. Thế giới âm nhạc kia được những tâm hồn khoáng đạt, hồn hậu và cả bí ẩn nữa của người Tây Nguyên "thổi" vào từng nhạc cụ đơn giản mà tinh tế, thuần khiết mà sống động vô cùng.  

Du khách tham quan không gian trưng bày nhạc cụ tre nứa.

Ngắm hàng chục loại nhạc cụ tre nứa kia - từ ching kram, đàn t’rưng, brâng, brố, kèn đing năm, đing puốt, đing pơng, đing tút, klông pút đến kèn môi, sáo vỗ, rwao… (của người Êđê, Sê đăng, Bana, Jrai, M’nông) được trưng bày, giới thiệu ở đây - tôi tự hỏi liệu nó còn hiện diện đầy đủ và sống động trong đời sống mỗi cộng đồng, hay đã chết theo đúng nghĩa “bảo tồn, bảo tàng”?

 

“Cứ cho là ở TP. Buôn Ma Thuột và những nơi khác có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ khiến nhiều buôn làng mất dần bản sắc, trong đó có hoạt động chế tác, trình diễn nhạc cụ dân tộc không được cộng đồng quan tâm. Song, nhìn rộng ra ở nhiều địa phương khác ở vùng sâu, vùng xa - nơi ít ảnh hưởng “cơn lốc” đô thị hóa cũng vậy, âm vang tre nứa quen thuộc này cũng ngày càng vắng vẻ”.

Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan

Anh Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, như hiểu được nỗi niềm ấy và chia sẻ: Trong thời gian triển lãm chuyên đề trên, Ban tổ chức có mời nghệ nhân đến trải nghiệm hoạt động chế tác, biểu diễn một số nhạc cụ tre nứa này. Song, những nghệ nhân được mời, lui tới chỉ có những người lớn tuổi như A Míp Ayun (buôn Kô Siêr), Ama H’Loan (buôn Akô Dhông) - TP. Buôn Ma Thuột, còn không tìm đâu ra người trẻ hơn. Vì sao thì ai cũng biết thế hệ tiếp nối, kế thừa vốn văn hóa này dường như đứt gãy…

Thực tế này diễn ra không riêng gì ở Đắk Lắk mà các địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên nói chung đều có. Tôi từng đi nhiều nơi và để ý thấy âm vang tre nứa kia càng ngày càng vắng lặng trong các buôn làng, trừ những dịp liên hoan, lễ hội được Nhà nước tổ chức. Nghệ nhân A Míp Ayun luôn tâm huyết, đau đáu với điều này. Ông bảo: Thi thoảng trong buôn làng, âm thanh ấy có chăng thì nó cũng chỉ thầm thì cất lên như một nỗi niềm tự sự của những người già nhớ về ông bà, quê xứ. Nói đâu xa, ở cái buôn Kô Siêr của ông, lớp trẻ không còn để tâm đến vốn âm nhạc, nhạc cụ truyền thống ấy nữa. Nghệ nhân A Míp Ayun chân thành: "Thật tình mà nói, lớp trẻ bây giờ không như thế hệ cha ông trước, làm gì và chơi ở đâu cũng mang theo cái kèn, cái goong để hát múa. Giờ thì hầu hết bọn trẻ có những sở thích và đam mê khác - đứa thì học guitar, đứa đàn điện, hát karaoke với nhạc hiện đại, chẳng còn quan tâm đến suy tư, hay nói đúng hơn là nỗi buồn khó nói thành lời của người già".

Nỗi buồn ấy, có đôi lần tôi đã từng chứng kiến ở nhiều buôn xa làng gần trên mảnh đất Tây Nguyên này. Nhớ một lần đến buôn Đinh (xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’gar), nghe già Ei Kun tâm sự: Nhờ kinh tế khá giả, đứa cháu của ông là Y Tung sắm một dàn karaoke về hát cho khỏi thua kém bạn bè trong buôn. Thế là cái âm nhạc hiện đại này du nhập vào buôn, khiến nhịp sống trong cộng đồng người Êđê ở đây trở nên ồn ào và sôi động lên, bỏ mặc chiêng ché, kèn đing năm, đing tút bên góc nhà, chái bếp. Đôi khi già Ei Kun nhớ âm thanh tre nứa ấy, mới lặng lẽ đem ra thổi một mình; mà thật trớ trêu, phải thổi vào những lúc yên ắng, không còn tiếng ồn đinh tai nhức óc phát ra từ dàn karaoke hiện đại của bọn trẻ nữa.

Nghệ nhân Y Míp và Ama H'Loan chế tác nhạc cụ và vật dụng từ tre nứa.

Tâm sự này, tôi cũng đã nghe già Ma Rin lúc còn sống thổn thức: Kèn đing tút này, thời trai trẻ ông đã từng gọi nhiều cô gái trên rẫy đến tâm sự, hay đêm về âm thanh ấy cũng đã khiến không ít người đẹp thức giấc. Già Ma Rin nói với con trai ông là Y Jak rằng: “Mày là ca sĩ, đi hát trong Nam, ngoài Bắc thì phải biết thổi kèn đing tút, đing năm để cho cái hồn đầy lên mới hay được, người nghe mới biết, nhận ra mày là người Êđê, người Tây Nguyên. Khác nhau là ở chỗ đó Y Jak à!”. Tôi đã từng vào buôn Akô Dhông nhiều lần và nhận ra những người chế tác, trình diễn các loại nhạc cụ bằng tre nứa vắng bóng dần. Ngày trước có cụ Y Thông, rồi đến già Ma Rin, nay hai ông qua đời thì ít ai ngó ngàng, chăm bẵm nữa ngoài ông Ama H’Loan hiện còn gắng gượng giữ gìn.

“Dòng chảy văn hóa của tre trúc Tây Nguyên” là vậy đó - vui buồn miên man qua những câu chuyện được kể từ đời sống quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi phận người, phận đời trong từng cộng đồng dân tộc. Nói như anh Đinh Một và những người khác quan tâm đến văn hóa vùng đất này thì triển lãm trên là thông điệp gửi đến mọi người, nhất là lớp trẻ hãy trân trọng, gìn giữ vốn di sản quý báu của ông cha trao truyền, để lại.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.