Multimedia Đọc Báo in

Lắng lọc tâm hồn với tập thơ “Áp tai vào đất”

09:11, 17/07/2022

“Áp tai vào đất” là những bài thơ được chọn lọc trong quá trình sáng tác từ năm 2011 đến 2017. Tuy thời gian xuất hiện của tập thơ đã lâu nhưng mỗi khi đọc vẫn khiến người đọc day dứt, yêu thương và trăn trở vì lối văn phong lạ, cuốn hút của Lê Quang Trạng – cây bút trẻ nhiều triển vọng trong giới văn chương hiện nay.

Lê Quang Trạng (SN 1996), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Giống như nhiều tác giả trẻ hiện nay có xu hướng đa dạng ngòi bút, Lê Quang Trạng cũng thế, ngoài thơ, anh còn là một cây viết văn xuôi mới của đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Anh từng được rất nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật, tiêu biểu năm 2016 đã đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện ngắn Dòng sông không trôi.

Ở lĩnh vực thơ, Lê Quang Trạng được nhắc đến khá nhiều với tập thơ “Áp tai vào đất” – đứa con thơ đầu lòng của chính mình. Dường như đây chính là hành trình tìm lại mình của nhà thơ trẻ Lê Quang Trạng, là những ấn tượng và cảm xúc mới lạ, để bật thành câu chữ, anh đã “áp tai vào đất” để lắng lọc tâm hồn mình: “Người ngã xuống đất/ như áp tai nghe lời thì thầm thân mật/ chỉ đất nói người nghe/ngàn năm khô giọng/ khát một lời vị khách chẳng biết tên…”.

 

Nhà thơ viết bằng cảm xúc, nhà văn viết truyện bằng nhân vật. Nhà thơ Lê Quang Trạng cũng đang lý giải cái cô đơn từ chính mình để giãi bày về nó, qua các bài thơ: Con sáo gọi đò, Con sẻ mồ côi, Phòng trọ… “Mỗi lần qua đò về quê ngoại/ tôi chợt thân quen với con sáo nói tiếng người/ đò ơi/ đò ơi/ con sáo gọi đò cho ai?” (Con sáo gọi đò).

Từ cảm nhận của nhà thơ về cái bình thường, giản dị hàng ngày, cảm xúc thơ đã gợi thật nhiều suy ngẫm. Áp tai vào đất để ngửi mùi rơm rạ, để “nhớ suốt đời mùi khói đồng thơm”, bởi “khói ở trong lòng, hóa nỗi nhớ trắng cơn mơ” (Khói đồng thơm). Nơi đó “những con đò xa bến cũ nôn nao/ nước của dòng sông đong đầy ký ức/ người ra đi, người trở về ray rứt/ có một miền thương nhớ để mà yêu” (Sông). Gắn bó với vàm sông, với ruộng lúa, bờ kênh, thơ của Lê Quang Trạng viết bằng cảm xúc được bật ra từ lồng ngực, từ tình yêu miền kênh rạch đất Nam bộ đến cháy lòng. Cũng vì vậy, thơ của Lê Quang Trạng đem lại nhiều cảm xúc về một vùng đất mà con người giản dị, chân chất, cởi mở, bao dung và phóng khoáng.

Qua góc nhìn của tuổi trẻ, Lê Quang Trạng gửi vào thơ những băn khoăn về muôn lẽ nhân sinh của cuộc đời qua các bài thơ: Lối đi trong bệnh viện, Viết ở 115, Hóa kiếp, Phía cuối nghĩa trang, Mộ cỏ, Lời nguyện trong lễ cải táng… Hiểu lẽ sinh tử, ở mỗi bài thơ, nhà thơ sử dụng tứ thơ nhằm chuyển tải quan niệm của mình về chuyện sống chết, lòng biết ơn và sự kính cẩn trước những người đã nằm dưới mộ. Như để làm mới mình tác giả chú trọng hình thức nhằm chuyển tải nội dung, qua lối sắp chữ, kỹ thuật vắt dòng, lặp lại chữ tạo thành một khuôn hình.

Đọc “Áp tai vào đất” ta còn cảm nhận được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm với người trẻ hay là chính mình: hãy cứ đi và cảm nhận, được đặt dấu chân mình lên nhiều vùng đất để khám phá, để trải nghiệm rồi tuôn trào cảm xúc lắng đọng trong những câu từ. Những bài thơ “Ký họa Huế”, “Làng biên giới”… của anh là phác thảo, là cảm nhận trong hành trình đến và đi: “đứng nơi này nhìn xa xa sương khói mù khơi/ Huế mộng mơ chìm trong đáy mắt/ dòng sông nhẹ bước chân trôi vào lòng lữ khách/ vẫy tay về, nhớ mãi: Huế thương”…

Với 40 bài thơ, “Áp tai vào đất” thực sự là tập thơ đánh dấu tên tuổi của Lê Quang Trạng với một giọng thơ mới, chững chạc, từng trải hơn rất nhiều so với tuổi, mang đến những điều bất ngờ, những suy tư phi lý mà lại rất có lý, gây ấn tượng mạnh với người đọc.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.