Multimedia Đọc Báo in

Đam mê văn hóa truyền thống

08:13, 05/09/2022

Gìn giữ và phát huy phong tục tập quán, nét đẹp truyền thống, đó là cách gia đình bà H’Winh Ding (56 tuổi, buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) thể hiện tình yêu, trân quý đối với văn hóa của dân tộc mình.

Với đồng bào dân tộc Êđê, dệt thổ cẩm là "thước đo" của sự đảm đang, khéo léo, thể hiện nét đẹp của người phụ nữ nên ngay từ nhỏ bà H’Winh đã được mẹ truyền dạy cách dệt truyền thống. Bà thường ngồi bên khung cửi chăm chú xem mẹ dệt và nhặt nhạnh những sợi chỉ thừa để mày mò làm theo. Hình ảnh mẹ ngồi dưới ánh đèn vàng, đôi tay kéo chỉ thoăn thoắt, cùng tiếng lách cách của khung cửi khi trời tờ mờ sáng đã in sâu vào tâm trí bà về chuẩn mực của người phụ nữ truyền thống. Sau khi lấy chồng, bà bắt đầu tự tay dệt những bộ quần áo, chăn, địu cho các thành viên trong nhà.

Bà H’Winh Ding kiểm tra những ché rượu cần mới ủ.

Bà H’Winh kể, ngày trước để có chỉ dệt vải, bà phải lên rẫy thu hoạch bông, phơi khô và tách hạt từ quả bông. Cứ 3 giờ sáng, khi trời không có mưa, gió, bà lại ngồi cần mẫn dùng thanh tre nhỏ đã cột sẵn dây cước để bắn cho tơi bông, khi bông đã mềm mịn thì đôi tay bà cũng rã rời, bông trắng xóa bay dính hết vào người. Đến khi trời sáng mới bắt đầu cho việc kéo bông thành sợi. Công đoạn nhuộm màu cho sợi bông cũng vất vả không kém. Dựa vào sự chỉ dạy của mẹ, bà tự vào rừng tìm các loại vỏ, lá, rễ cây… về nhuộm vải, tạo màu sắc cho những sợi bông. Nhờ cách phối màu tinh tế, với những màu đen, đỏ chủ đạo đã tạo nên những hoa văn, họa tiết mộc mạc đậm chất núi rừng. Mỗi tấm thổ cẩm được hoàn thành là cả sự kỳ công, tâm huyết của người dệt, nên mỗi sản phẩm làm ra bà đều trân quý và nhắc nhở con cháu phải nâng niu, gìn giữ. Khi đã dệt thành thạo, bà tích cực làm nhiều sản phẩm để phục vụ người dân. Do đó, vào những ngày cuối tuần, chồng bà lại lên chiếc xe đạp cũ, chở đầy ắp những chiếc chăn, địu thổ cẩm, rồi rong ruổi khắp các buôn làng trong tỉnh để bán cho người dân. Dù thu nhập không đáng là bao, nhưng với bà đó là cách để thỏa niềm đam mê với nghề, tình yêu với văn hóa truyền thống. Đến nay, dù đôi mắt không còn tinh tường như trước, bà vẫn nhận dệt các sản phẩm thổ cẩm theo nhu cầu của khách hàng. Chồng bà còn tự tay làm khung dệt vải để phục vụ cho các chị em trong buôn khi có nhu cầu.

Không chỉ giữ nghề dệt truyền thống, gia đình bà H’Winh còn ủ rượu cần có tiếng trong buôn. Theo bà, điều đặc biệt làm nên những ché rượu đúng vị truyền thống, đó là cách làm men lá. Để tạo ra men lá, bà thường mang gùi vào rừng tìm các loại cây về nấu lấy nước và trộn chung với bột gạo, củ giềng, ớt khô đã giã nhuyễn, rồi ủ hỗn hợp trên nia trong 3 ngày chờ lên men mới bắt đầu phơi ngoài nắng hoặc để trên giàn bếp cho khô men. Đến công đoạn nấu rượu, phải lựa chọn loại gạo sau khi thu hoạch và đã cất trong nhà được khoảng một năm mới bắt đầu đem ra nấu cơm để trộn men ủ. Rượu được ủ trong hơn một tháng thì có thể mang ra sử dụng. Trong căn nhà sàn của gia đình bà luôn thoang thoảng hương men núi rừng từ những ché rượu cần được dự trữ sẵn để phục vụ gia đình trong các dịp lễ, Tết và bán cho khách hàng có nhu cầu. Trân quý những giá trị truyền thống, gia đình bà vẫn gìn giữ các nghi lễ trong đám cưới, hỏi; cúng mừng thọ; cúng mừng nhà mới… để nhắc nhở con cháu về nguồn cội, phong tục của dân tộc mình.

Là người nhiệt tình, có uy tín của buôn Ja, thông qua các cuộc họp buôn, bà H’Winh luôn tích cực lồng ghép, vận động để lan tỏa tình yêu văn hóa đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, bà phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tại buôn để trực tiếp truyền dạy lại nghề truyền thống cho các chị em phụ nữ. Từ 5 thành viên ban đầu, đến nay tổ đã có 20 chị em tham gia dệt vải, tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc ở địa phương trong thời gian tới.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.