Hoa Cương - một bảo tàng tư nhân hấp dẫn giàu tính giáo dục
Bất cứ ai có tình yêu với làng quê, lịch sử, văn hóa con người Việt Nam khi đến thăm Bảo tàng Hoa Cương ở xã Bình An, huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) đều bị hấp dẫn, lôi cuốn bởi hàng nghìn hiện vật ở đây và dành tình cảm trân trọng quý mến với chủ nhân của bảo tàng - nhà giáo, TS. Nguyễn Quang Cương.
Bảo tàng Hoa Cương tọa lạc trên một khuôn viên diện tích khoảng chừng 1.500 m2, xanh mát và ăm ắp các hiện vật từ lối ngõ tới sân, vườn và toàn bộ căn nhà xây hai tầng khang trang. Rất nhiều hiện vật nhưng không bề bộn, tất cả được trưng bày một cách khoa học theo từng chuyên đề do các chuyên gia về văn hóa dân gian, sử học, các nhà chuyên môn về bảo tàng trong và ngoài tỉnh tư vấn, thẩm định, xử lý, xây dựng hồ sơ theo Luật Di sản hướng dẫn trợ giúp chủ nhân. Nhờ vậy ngày 3/7/2020 Bảo tàng Hoa Cương đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định cho phép hoạt động.
Hiện bảo tàng có hơn 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách được trưng bày theo 13 chủ đề: Nông cụ truyền thống; ngư cụ truyền thống; nghề thủ công truyền thống; đồ dùng sinh hoạt truyền thống; tiền cổ Việt Nam và nước ngoài; hiện vật chống Pháp, chống Mỹ; hiện vật thời bao cấp; xe đạp, xe máy cổ; nhạc cụ truyền thống; chum, ché, hũ, vại cổ; cối đá, trục đá, kệ đá cổ; hiện vật biển, đảo Việt Nam; sách, tài liệu hình ảnh. Có thể nói Hoa Cương là một bảo tàng tổng hợp khá toàn diện về đời sống của con người Việt Nam từ xa xưa, tập trung chủ yếu từ thời Nguyễn đến nay; trong đó có những khối mộc hóa thạch từ 300 triệu năm trước, các đồ dùng bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm và rất nhiều hiện vật từ các triều đại Lý, Trần, Lê...
Một số hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Hoa Cương. |
Đến với Bảo tàng Hoa Cương tôi như thấy lại cả một thời xa xưa ông bà, cha mẹ tôi đã vất vả lam lũ, tần tảo sớm hôm, dãi nắng dầm mưa, gắn bó với ruộng đồng qua hàng loạt hiện vật: áo tơi, cày chìa vôi, bừa tre, liềm, hái, giỏ bắt cua, rổ đựng tép, thúng, mủng, dần, sàng; thấy lại hình ảnh mẹ tôi oằn lưng gánh phân ra đồng, gánh rơm, gánh rạ về nhà giữa ngày gió Lào, nắng lửa chang chang... từ những đôi quang gánh bằng tre mây, từ những nùn rơm, nùn rạ ở đây. Tôi thấy lại bạn bè giáo viên, những công chức của một thời bao cấp sống gian khổ, khó khăn nhưng thương nhau, biết nhường cơm sẻ áo cho nhau qua sổ mua lương thực, phiếu vải, phiếu mua chất đốt, phiếu mua hàng... Có thể nói, mỗi người ở góc nhìn nghề nghiệp khác nhau, như nghề nông, nghề cá, nghề may, nghề cắt tóc... khi đến đây đều tìm thấy quá khứ của nghề mình; từ đó mà hiểu sâu sắc hơn nghề mình, biết trân trọng, yêu quý hơn nghề nghiệp; và chắc chắn từ sâu thẳm đáy lòng mọi người sẽ biết trân trọng quá khứ, biết yêu thương hơn cha ông, đất nước mình.
TS. Nguyễn Quang Cương, chủ nhân Bảo tàng Hoa Cương cho biết: Từ thuở còn là học sinh ông đã có ý thức lưu giữ những hiện vật của bản thân, gia đình, làng quê. Càng trưởng thành, ý thức đó càng được bồi đắp và thôi thúc ông mãnh liệt hơn trong suốt gần 50 năm đứng trên giảng đường đại học. Bởi theo ông “lưu giữ hiện vật quá khứ cũng là cách tái sinh hồn quá khứ, phục sinh những giá trị truyền thống”, đồng thời cũng là một trường học về truyền thống để giáo dục thế hệ trẻ. Năm 2017, ông bắt tay vào xây dựng nhà bảo tàng; đồng thời nhờ các chuyên gia về bảo tàng, cổ sử, văn hóa dân gian thẩm định, đánh giá, xây dựng hồ sơ hiện vật. Năm 2020, bảo tàng chính thức hoàn thành và được các ngành chức năng của tỉnh, của Trung ương thẩm định, công nhận.
Có thể nói, bảo tàng này là tâm huyết, là công trình tổng hòa của tâm, trí, chí, lực của TS. Nguyễn Quang Cương cả một đời vừa làm thầy dạy học, vừa làm công việc sưu tầm, nghiên cứu... Phải chăng vì thế mà kiến thức về bảo tồn, bảo tàng của ông giờ chẳng khác gì một chuyên gia khi ông giới thiệu về từng hiện vật của bảo tàng? Được hỏi: “Ông nuôi bảo tàng như thế nào? và thu lợi được gì?”, ông trả lời chân thành: “Bảo tàng của tôi phục vụ miễn phí. Mỗi năm tôi còn phải chi ra mấy trăm triệu đồng trả lương cho nhân viên (từ nguồn thu kinh doanh dịch vụ ở Quy Nhơn), chưa kể công sức của vợ chồng tôi. Nhưng tôi được nhiều, được lớn, đó là tôi được thỏa nguyện đam mê lưu giữ, trao truyền hồn vía dân tộc mình cho muôn đời sau; được truyền lửa, giác ngộ tình yêu truyền thống cho cộng đồng; được gửi thông điệp đến với mọi người: Hãy tạo ra những giá trị đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước!”.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc