Multimedia Đọc Báo in

Những nét độc đáo trong “Sức mạnh của vết thương”

07:10, 25/09/2022

Giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về mỗi tác phẩm văn chương là điều mà các nhà lý luận phê bình văn học luôn tìm tòi, suy ngẫm.

Với nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh cũng thế. Được biết đến là một nhà phê bình tài năng với nhiều thành công ấn tượng, tác giả không ngừng tìm hiểu và phân tích phê bình ở nhiều thể loại văn chương. Ở “Sức mạnh của vết thương”, Hoàng Thụy Anh đã phân tích nhiều tác phẩm ở thể loại sáng tác khác nhau để khai phá vẻ đẹp trong mỗi tác phẩm văn chương.

Tập “Sức mạnh của vết thương” gồm 24 bài tiểu luận, phê bình với độ dày 329 trang. Với ngôn từ, lúc thì rắn rỏi, đanh thép, lúc lại uyển chuyển, mềm mại, giàu nữ tính, Hoàng Thụy Anh đã gửi đến độc giả những góc nhìn sâu sắc về nghệ thuật, chất liệu, phong cách viết của các tác giả để truyền tải nội dung các tác phẩm văn chương, nổi bật lên là đề cập đến thân phận người phụ nữ và những “vết thương” của họ giữa đời sống thực và ảo. Đặc biệt, ấn tượng khi đọc cuốn sách là những trang viết với sự cởi mở trong việc phân tích vẻ đẹp của “tính dục”, chuyển tải “cảm xúc giới nữ” một cách tinh tế, khéo léo.

Bìa sách "Sức mạnh của vết thương" do Nxb Văn học và Sbooks phát hành năm 2021. Ảnh: Sbooks cung cấp

“Sức mạnh của vết thương” như là một khu vườn đa sắc mà mỗi tác giả hiện ra trong đó đều tỏa những nét đẹp riêng. Những tác phẩm được đưa ra mổ xẻ từng chi tiết từ kết cấu, câu từ đến nội dung, cách hành văn, gieo chữ… qua đó giúp người đọc có cái nhìn khái quát, chân thật nhất về nội dung tác phẩm và phong cách viết của tác giả.

Viết nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nói riêng và khảo cứu các lĩnh vực chuyên sâu thường khô cứng bởi thao tác khoa học nhưng trong “Sức mạnh của vết thương” của Hoàng Thụy Anh đã có những trang viết giàu cảm xúc, đoạn văn hấp dẫn thuyết phục người đọc không bị xơ cứng và tẻ nhạt. Như: “Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, ký ức, cõi âm với “hiện thực của tinh thần”, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng những hạt giống uyên nguyên, thanh khiết. Ông nhận ra “cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc” nhưng ông vẫn tin vào quyền uy của cái đẹp, tin vào ánh sáng bất diệt của tâm hồn sẽ hoàn nguyên những giá trị sống” (Những chuyển động của hiện thực tinh thần), hay “Đọc thơ Nguyễn Việt Chiến, tôi ấn tượng nhất cách làm đẹp nỗi buồn và tái sinh nỗi buồn trong cái nhìn đối sánh với tự nhiên…” (Nguyễn Việt Chiến tái sinh nỗi buồn trong thơ), hoặc “Tắm táp trong vết thương không có nghĩa cổ súy cho sự bi lụy, các nhân vật của chị đã tự thức tỉnh chính mình, vượt qua những đày ải của cuộc đời, số phận bằng “mùi hoàng kim” của dục tính” (Sức mạnh của vết thương)…

Trong cuốn tiểu luận, phê bình này, ngoài những bài viết về những cây bút đã có tên tuổi trong làng văn, như: Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Quang Thiều, Trương Anh Tú, Mai Nam Thắng, Trần Quang Đạo…, tác giả còn tiếp cận những cây bút nữ trẻ đầy triển vọng, như: Đỗ Bích Thúy, Niê Thanh Mai, Lữ Mai, Trần Quỳnh Nga, Nguyễn Hương Duyên… Đây là những tác giả nữ đủ 3 miền Bắc - Trung - Nam, cùng thế hệ với Hoàng Thụy Anh và cùng viết chủ yếu về người phụ nữ.

Đọc “Sức mạnh vết của vết thương” độc giả không chỉ tìm thấy những vẻ đẹp văn chương hiện ra ở mỗi tác phẩm, tác giả mà qua đó còn hiểu được những thông điệp mà Hoàng Thụy Anh muốn nhắn gửi. Sau mỗi "vết thương", mỗi người sẽ có thêm sức mạnh, trở nên kiên cường, bản lĩnh để vượt qua những bi kịch, nghịch cảnh của cuộc đời. Chính từ những "vết thương" đó có khi sẽ tạo động lực, bài học quý giá để chúng ta tái tạo năng lượng, làm nên những kỳ tích cho mình và cho đời.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc