Thương nhớ miếng trầu
Mươi năm đi xa, nay tôi mới có dịp trở về miền Trung nơi chôn rau cắt rốn. Thời gian đã lấy đi nhiều thứ, kể cả những bóng hình thân thương thuở xưa.
Dẫu vậy, khúc ruột miền Trung vẫn giữ lại những thứ cần có, làm nên chất riêng, cái hồn của quê hương. Rặng tre xanh rì, cái ụ rơm lớn và cả những dây trầu tươi xanh được trồng trước sân nhà. Chạm vào đâu, hình ảnh nào cũng gợi lại trong tôi những kỷ niệm đong đầy. Sợi dây trầu gợi nhớ bóng hình bà nội đã về với tổ tiên khi thọ trăm tuổi.
Thuở còn thơ, tôi được bà yêu chiều nhất bởi là đứa trẻ theo cha mẹ đi làm ăn xa, lâu lâu mới có điều kiện trở về quê cũ. Lần nào chúng tôi về, bà cũng đãi món bánh xèo đúc nấm rơm. Thời ấy, quê tôi còn đốt lửa bằng rơm, lá tre. Lâu lâu lửa tắt, bà phải lấy ống tre thổi vào. Mỗi lần như thế, bà lại nhả nước trầu đỏ choét trong miệng để lấy hơi. Bà nghiện ăn trầu, cơm có thể bỏ bữa nhưng miếng trầu thì không. Có lần thay đổi thời tiết, bà bị ốm, chỉ ăn được một chút cháo nhưng vẫn chóp chép miếng trầu cho đỡ nhạt miệng.
Trầu cau không thể thiếu trong ngày lễ quan trọng. |
Vật bất ly thân với bà chính là chiếc cơi trầu, đựng tất cả những thứ liên quan như: Con dao xếp (dao gấp) cực sắc, hũ vôi trắng, chiếc cối bé tẹo dùng để dằm nát trầu, ít vỏ cây chát, túi cau khô, vài quả cau tươi và đương nhiên không thể thiếu cuộn trầu tươi được hái chọn từng lá, xếp kỹ càng. Buổi sáng thức dậy, tôi đã thấy bà ngồi trước hiên nhà tỉ mẩn têm từng miếng trầu. Đôi tay nội thoăn thoắt cắt, xếp, têm thành miếng trầu chỉ trong giây lát. Không chỉ nội, bác tôi và cả những bà hàng xóm cạnh nhà cũng giữ thói quen ăn trầu. Có lần, nhìn bà, các bác nhai trầu có đôi môi đỏ tươi, tôi thích thú thử nhai một miếng. Vị cay ở lá trầu kèm theo chát nóng từ vôi trắng, vỏ cây khiến tôi không dám thử lần hai.
Thời gian thoi đưa, số lần về thăm quê của tôi cứ thưa dần, để giờ đây khi trở lại, nhiều thứ đã không còn nguyên vẹn. Dây trầu trước ngõ vẫn hiện hữu xanh màu, nhưng bóng hình bà nội thân thương đã theo áng mây về cõi xa xăm. Chú tôi bảo, ở nhà không ai còn ăn trầu nhưng trong vườn phải có dây trầu. Đó là nếp xưa như cây tre phảng phất bóng quê vậy. Ngày đầu tháng, ngày rằm, lễ, Tết hay nhà có cỗ, chú thường hái ít lá trầu, mua thêm miếng cau dâng lễ.
Về quê chồng, tôi mừng vui khôn xiết khi mẹ chồng vẫn giữ thói quen ăn trầu. Mẹ nói, ăn trầu quen rồi, không có nhạt miệng lắm. Mẹ nói thêm, tục ăn trầu đã có từ thời ông bà. Có người tập ăn thời trẻ, có người đến già mới ăn. Số người trong làng ít ăn trầu như xưa. Rồi mẹ khẽ bảo, tre già măng mọc, người này không ăn thì có người khác ăn, không dễ gì bỏ hết được đâu. Mẹ tôi khéo têm trầu nên hay được hàng xóm nhờ têm mỗi khi nhà có đám hiếu, hỷ. Nhìn mẹ chậm rãi têm từng miếng trầu hình cánh phượng chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại của đôi uyên ương, tôi cảm giác an yên hẳn. Dù dòng đời có vội vã xô bồ, nhưng khi về quê tôi như tìm lại vùng trời bình yên và cả những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ.
Cẩm Anh
Ý kiến bạn đọc