Multimedia Đọc Báo in

Tình yêu âm nhạc dân tộc trong thế hệ trẻ

09:02, 14/09/2022

Với nhiều tiết mục mang đậm dấu ấn vùng miền, Liên hoan Tuyên truyền ca khúc cách mạng, thanh niên hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc đã tạo ra sân chơi bổ ích, phát huy khả năng, năng khiếu của thanh niên các dân tộc tỉnh nhà, đồng thời góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

Huyện Krông Búk mang đến liên hoan 3 tiết mục, trong đó có 2 tiết mục hát và 1 tiết mục diễn tấu ching kram kết hợp múa xoang của người Êđê. Đầu tư công phu từ trang phục, đạo cụ đến lời hát nên ngay khi nhịp chiêng tre vang lên đã nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Các chàng trai, cô gái Êđê trong trang phục truyền thống, nắm tay nhau, chân nhịp bước, uyển chuyển bước quanh ngọn lửa hồng theo âm thanh của tiếng chiêng, tái hiện nghi thức mời rượu của người Êđê đã để lại nhiều ấn tượng.

Tiết mục hát dân ca "Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời" của huyện Buôn Đôn.

Anh Y Thu Mlô (thành viên của đội chiêng tre huyện Krông Búk) chia sẻ: “Từ bao đời nay, âm nhạc dân tộc không chỉ đơn thuần là dân ca, nhạc cụ, hay các điệu múa, mà nó đã trở thành âm thanh quen thuộc, gần gũi, gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của người Êđê. Trong các ngày lễ, Tết, ngày vui của dòng họ, của buôn làng đều không thể thiếu những âm thanh của cồng chiêng, đàn, sáo... hòa cùng giọng ca trầm bổng. Vì thế, đến với liên hoan lần này, chúng tôi muốn mang đến những điều gần gũi, thân thuộc nhất, giới thiệu cho bạn bè nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình”.

 

Liên hoan là hoạt động thiết thực và hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ. Đây cũng là sân chơi, tạo cơ hội cho các bạn trẻ được giao lưu, học hỏi và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, là dịp để khuấy động lại phong trào văn hóa văn nghệ trong buôn làng sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.

 
Anh Y Thu Mlô

Một trong những tiết mục đặc sắc tại liên hoan có thể kể đến là diễn tấu nhạc cụ Lào kết hợp điệu múa Lăm Vông của huyện Buôn Đôn. Hình ảnh những thiếu nữ Lào tươi trẻ trong trang phục truyền thống, búi tóc, trên đầu cài bông hoa chăm pa trắng ngần, uyển chuyển với điệu Lăm Vông theo nhạc đã để lại nhiều dấu ấn. Theo anh Y Nô Ly Kbuôr, trưởng nhóm biểu diễn nhạc cụ Lào xã Krông Na, múa Lăm Vông không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Lào. Nó là điệu múa gắn liền với sinh hoạt đời thường nên người Lào ở buôn ai cũng biết. Điệu Lăm Vông tuy nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy nhưng cần phải có một chút khéo léo, sự mềm dẻo của cơ thể cộng thêm sự uốn dẻo của đôi bàn tay. Được chung vui, được hòa mình cùng những điệu múa Lăm Vông uyển chuyển mới cảm nhận được bao nhiêu điều thú vị về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Lào.

Tiết mục song tấu sáo trúc của huyện Krông Năng.

Với gần 300 ca sĩ, diễn viên không chuyên đến từ 14 Ủy ban Hội LHTN Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố cùng 1 Đoàn trực thuộc và 1 tổ chức Hội thành viên, các đơn vị đã mang đến 48 tiết mục đặc sắc ở các thể loại như hát tuyên truyền ca khúc cách mạng; hát dân ca; diễn tấu nhạc cụ dân tộc. Các tiết mục đặc sắc ấy đã mang lại một âm hưởng đặc biệt, là sự tiếp nối tự nhiên những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương, tạo nên nhiều dấu ấn, góp phần vào sự thành công của liên hoan. Một trong số đó có thể kể đến như: Hòa tấu chiêng “Gọi về sum họp” (TP. Buôn Ma Thuột), song tấu sáo trúc (huyện Krông Năng), hát dân ca Ba Na “Sáng trong buôn” (Câu lạc bộ MC tỉnh)…

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 3 giải A, 6 giải B và 9 giải C cho các tiết mục. Với phần thể hiện xuất sắc ở cả 3 thể loại, huyện Cư M'gar đã giành giải Nhất toàn đoàn. Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar chia sẻ: Để chuẩn bị tốt cho liên hoan lần này, ngay từ khi nhận được thông tin, Huyện Đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện đã lên kế hoạch, tuyển chọn nhân sự tham gia. Trong đó, các tiết mục tham gia đều bảo đảm có chủ đề rõ ràng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, toát lên được vẻ đẹp của quê hương, đất nước và con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, phong cách biểu diễn của các ca sĩ, diễn viên phải sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.