Ẩm thực xứ hoa anh đào trên phố núi Ban Mê
Những món ăn đặc sắc, tiêu biểu nhất của đất nước mặt trời mọc được những “đầu bếp” là học viên các trung tâm Nhật ngữ và thực tập sinh công ty Nhật trên địa bàn tỉnh chế biến, thi thố, chiêu đãi khách mời tại Hội thi văn hóa, ẩm thực Nhật Bản nhân kỷ niệm 49 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Nhật Bản do Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tổ chức…
Hội thi thu hút các đội: Công ty du học Tây Nguyên, Trung tâm ngoại ngữ Sendai, Công ty C-Space, Công ty Liên kết nông dân, Công ty Nico Nico Yasai, Trung tâm Phát triển cộng đồng CDC. Trong khuôn khổ thời gian giới hạn, song các đội dự thi đã kỳ công nghiên cứu, tìm hiểu, chế biến những món ăn đặc trưng nhất của Nhật Bản nhằm chuyển tải, giới thiệu cho thực khách một cách khái quát nhất văn hóa ẩm thực của Nhật Bản vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của loại vào năm 2013.
Các "đầu bếp" trổ tài tại hội thi. |
Lựa chọn món mì xào Yakisoba, món ăn phổ biến, gần gũi, quen thuộc với người Nhật để dự thi, các học viên của Trung tâm ngoại ngữ Sendai ghi điểm với Ban giám khảo và thực khách bởi hương vị đặc trưng, với phần nước sốt ngọt, những sợi mì đặc quánh, mang lại cảm giác lạ miệng, đậm đà. Theo chia sẻ của các học viên Trung tâm ngoại ngữ Sendai thì món ăn bình dị này có thể bắt gặp, thưởng thức bất cứ ở nơi nào trên xứ sở hoa anh đào và khá dễ chế biến, với các loại nguyên liệu không quá khó kiếm. Tuy vậy, để có một dĩa mì xào Yakisoba ưng ý, tâm đắc nhất đem đến hội thi, các học viên cũng phải dồn tâm huyết, đầu tư nhiều thời gian, tìm hiểu cách chế biến, thực hành nhiều lần, để làm sao thuyết phục được Ban giám khảo mà thành phần trong đó có cả người Nhật chấm điểm. Thưởng thức món Yakisoba do các học viên Trung tâm ngoại ngữ Sendai chế biến, chắc hẳn thực khách khó quên dư vị béo ngậy, đậm đà của nước sốt, vị ngọt của những lát thịt được xắt vuông vức, ăn kèm theo các loại rau củ là bắp cải, cà rốt được xào vừa chín tới.
Trong khi đó các đầu bếp, những thực tập sinh đang làm việc tại Công ty Nico Nico Yasai lại trổ tài bằng món Kohaku Namasu, món ăn mừng năm mới của người Nhật, được chế biến bằng hai nguyên liệu chính là cà rốt và củ cải ngâm. Theo thuyết trình của các đầu bếp, thì nếu như ở Việt Nam, ngày Tết cổ truyền không thể thiếu món củ kiệu, dưa hành thì ở Nhật, ngày Tết nhà nào cũng làm món Kohaku Namasu tô điểm cho mâm cơm. Với hai màu trắng đỏ, dĩa Kohaku Namasu nổi bật nhờ sự tương phản màu sắc rõ ràng. Chế biến món Kohaku Namasu không quá khó, song làm thế nào để giữ được vị giòn của củ cải, cà rốt và không để quá chua bởi giấm là cả một kỹ năng. Điều đặc biệt ở đây là món này lại ăn kết hợp với món ram của Việt Nam, sự kết hợp độc đáo giữa hai món ăn đặc trưng của hai đất nước khiến thực khách thưởng thức không thể quên được dư vị đặc sắc của nó.
Đoàn viên thanh niên, thực khách háo hức thưởng lãm các món ăn Nhật Bản tại hội thi. |
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến món Gyoza cũng do các đầu bếp Công ty Nico Nico Yasai chế biến. Gyoza còn được gọi là há cảo Nhật Bản, là một loại bánh bao mà nguyên liệu nhân là các loại thịt bằm, tôm, cá và rau củ được bao bọc trong một lớp bột mỏng, vốn rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Thưởng thức món này, tất cả thực khách đều tấm tắc, bởi hương vị đậm đà, gói gọn trong chiếc bánh nhỏ xinh xắn, đầy đủ dưỡng chất.
Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Hội thi nằm trong kế hoạch hoạt động, công tác đối ngoại nhân dân của Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh năm 2022. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn chủ đề này là vì giữa văn hóa ẩm thực của Việt Nam – Nhật Bản bên cạnh bản sắc riêng còn có những điểm tương đồng, gần gũi khá thú vị”. Hội thi tạo cơ hội, giúp học viên, những người Nhật gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn những món ăn đặc trưng, đặc sắc nhất mà khi nhắc đến ẩm thực Nhật Bản mọi người sẽ liên tưởng đến ngay. Qua đó góp phần xây dựng, củng cố, gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp, truyền thống giữa nhân dân Việt Nam – Nhật Bản.
Thảo Nhi
Ý kiến bạn đọc