Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo điệu múa sênh tiền của dân tộc Mông

07:50, 30/10/2022

Múa sênh tiền là điệu múa không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết, ngày hội của đồng bào Mông. Đạo cụ chính trong điệu múa sênh tiền chính là cây gậy sênh tiền.

Gậy sênh tiền khi nhìn thì trông rất đơn giản, nhưng để làm ra được một cây gậy đòi hỏi người làm phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ.

Là người duy nhất có thể làm gậy sênh tiền ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông), nghệ nhân Giàng A Sánh, ở thôn Ea Lang cho biết, gậy sênh tiền là đoạn trúc dài 1 - 1,2 m và chia làm 4 khấu; trong đó 3 khấu được đục một khoảng trống ở giữa để xâu đồng xu vào nhằm tạo ra âm thanh.

Khấu còn lại nằm ở khúc thứ hai của cây trúc không đục lỗ để người múa cầm. Trong mỗi một khấu đục khoảng trống lại được chia làm 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có từ 4 - 6 đồng xu hợp lại. Ở hai đầu chiếc gậy sênh tiền được buộc một chùm dây nhiều màu sắc hoặc màu đỏ. Hai chùm dây này là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa.

Nghệ nhân Giàng A Sánh giới thiệu về cây gậy sênh tiền. Ảnh: T. Linh

Theo nghệ nhân Sánh, khi múa, người múa cầm gậy sênh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như: tay, chân, vai, bàn chân làm các đồng xu tạo ra thứ âm thanh vui nhộn. Có thể kết hợp thêm các nhạc cụ khác như: trống, chiêng nhưng cũng có thể không cần bởi âm thanh từ cây gậy sênh tiền đã đủ tạo nên không khí vui nhộn.

Múa sênh tiền thường có từ bốn đến tám nữ và nam kết hợp, hoặc là múa đôi. Các đôi trai gái biểu diễn các động tác lên xuống, xoay người nhịp nhàng giữa những bãi đất trống hay tại một góc chợ phiên, điệu múa sênh tiền như gắn kết mọi người gần nhau hơn.

Trước đây, điệu múa sênh tiền được người Mông biểu diễn trong các lễ cúng. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự giao lưu và phát triển của văn hóa ngày nay, điệu múa sênh tiền đã được cải biên sao cho phù hợp hơn để biểu diễn trong các lễ hội, hội diễn văn nghệ… Múa sênh tiền có nhiều bài, nhưng các bài đều từ 10 nhịp cơ bản mà phát triển ra. Điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi, nhưng thường thì thanh niên múa nhiều hơn. Với đôi tay khéo léo của chàng trai, cô gái Mông, những đồng tiền cổ xoay tít phát ra tiếng kêu với cường độ lớn, thể hiện niềm phấn khởi tưng bừng.

Điệu múa sênh tiền của người Mông xã Cư Pui (huyện Krông Bông). Ảnh: Hữu Hùng

Văn hóa người Mông rất đặc sắc, phong phú, múa sênh tiền và cây gậy sênh tiền là một đặc trưng, điệu múa truyền thống này mang ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, đặc biệt là của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, người Mông trên địa bàn xã Cư Pui luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có múa gậy sênh tiền, để nhịp gậy tươi vui còn lưu mãi trong những lễ hội mùa xuân.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.