Nhổ rễ bệnh tật - tục lạ của người Xê Ðăng
Trong các phong tục, tập quán của người dân ở Tây Nguyên, tục nhổ rễ bệnh tật của người Xê Đăng ở xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum) là một trong những tục lạ, còn tồn tại ở địa phương. Theo quan niệm của người dân, qua tục nhổ rễ bệnh tật, người bị bệnh mong muốn bệnh tật sẽ hết, hồi phục sức khỏe.
Đi công tác tại xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà, tôi được nghe nhiều về tục lạ nhổ rễ bệnh tật của người Xê Đăng. Không phủ nhận điều này, lãnh đạo UBND xã Đắk Pxi cử người đưa tôi đến gặp A Dép, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Krong Đuân, già làng thôn Krong Đuân A Blênh và bà Y Hlong là người dân trong thôn này được gia đình làm lễ nhổ bệnh tật.
Không giấu giếm quan niệm, bà Y Hlong ôn tồn kể: “Không riêng gì tôi, người Xê Đăng ở thôn Krong Đuân cũng như nhiều thôn khác ở xã có tục nhổ rễ bệnh tật. Không ai biết phong tục này có tự bao giờ, chỉ biết rằng có từ lâu lắm rồi. Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi từng được cha mẹ mình làm lễ nhổ rễ bệnh tật cho mình. Đó là năm 14 tuổi, tôi bị té gãy chân, cha mẹ dùng thuốc cây rừng chữa trị hết bệnh. Sau khi chữa khỏi, ba mẹ làm lễ nhổ rễ bệnh tật cho tôi với mong muốn cầu Yàng phù hộ, việc gãy chân không lặp lại”.
Theo bà Y Hlong, khi làm lễ nhổ bệnh tật, gia đình bà cũng như nhiều người dân ở đây sửa soạn một con gà luộc chín, một ghè rượu, một rễ cây bông lau hay một rễ cây nào cũng được. Tuy nhiên, thường là rễ cây bông lau, vì rễ này nhỏ, dài, dễ bẻ gãy. Trong lễ, con gà luộc được gia đình dùng dao chặt lấy chân và đầu để lên một cái đĩa, cùng với một ghè rượu và rễ cây vắt vào tai ghè rượu, còn thân gà thì được chặt nhỏ từng miếng.
Bà Y Hlong kể về tục nhổ rễ bệnh tật của dân tộc mình. |
Trước khi làm lễ, cha mẹ bà Y Hlong tập hợp con cháu lại đông đủ. Lễ vật được cha mẹ bày ra, con cháu đứng một bên. Cha bà thành kính khấn mời Yàng về thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con hết bệnh, không lặp lại và luôn khỏe mạnh. Sau khi thành kính cúng Yàng, cha mẹ của bà lấy rễ gác ở tai ghè rượu bẻ một đoạn nhỏ bỏ vào ghè rượu, rồi cầm lấy cần rượu uống; rồi đến lượt từng người con, cháu cũng bẻ một đoạn rễ bỏ vào ghè, uống rượu và thầm mong cho người bị bệnh trong gia đình hết bệnh. Sau đó, cả gia đình cùng uống rượu và ăn thịt gà.
Nghe bà Y Hlong tường thuật, già làng A Blênh bày tỏ thêm: Tục nhổ rễ bệnh tật do ông bà xưa truyền lại. Sau lễ nhổ bệnh tật, gia đình có người bệnh thường mời già làng xem đầu gà để biết ý Yàng tốt hay xấu. Nếu như đầu gà thẳng, mỏ cúi xuống thì tốt; nếu đầu nghiêng sang bên hay quẹo ra phía sau là xấu. Tuy nhiên, đây chỉ là quan niệm của người xưa, không có cơ sở. Điều cốt yếu là người bệnh và các thành viên trong gia đình có dịp bồi dưỡng sức khỏe. Nếu bỏ qua các yếu tố tín ngưỡng, xét về mặt tâm lý, sau khi hết bệnh và được bồi dưỡng sức khỏe, người được nhổ rễ bệnh tật sẽ tự tin hơn vào sức khỏe của mình, yên tâm lao động sản xuất.
Thừa nhận đây là quan niệm, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn A Dép nhấn mạnh thêm, ngày xưa, người Xê Đăng ở xã thường sinh sống trên các triền núi cao. Gắn mình với thiên nhiên và chịu sự tác động của thiên nhiên, con người nếu biết sống hòa hợp với thiên nhiên thì sẽ gặp những điều tốt đẹp; ngược lại thì sẽ gặp những điều không may, xui xẻo. Nếu bỏ qua các yếu tố tín ngưỡng, thì đây là những quan niệm tốt đẹp, là điều con người luôn hướng đến.
Nhà rông thôn Krong Đuân, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum). |
Trên tinh thần khoa học, ông U Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pxi cho rằng: Tục nhổ rễ bệnh tật là quan niệm của người xưa, giải quyết yếu tố tâm lý, góp phần giúp người bệnh hết bệnh thêm phấn chấn, mau hồi phục sức khỏe. Việc tìm hiểu tục nhổ rễ bệnh tật, giúp chúng ta hiểu thêm về quan niệm và tín ngưỡng của người Xê Đăng ngày xưa ở địa phương.
Văn Nhiên
Ý kiến bạn đọc