Những bí ẩn trong lòng đất Cát Tiên
Cuối năm 1985, hai cán bộ bảo tàng địa phương đã bất ngờ phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên của một quần thể di tích thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Bắt đầu từ đây đã hé mở về một quần thể di tích vô cùng giá trị. Sau hơn 10 nghiên cứu và khai quật, cuối tháng 9/1997, Bộ Văn hóa – Thông tin đã chính thức công nhận Cát Tiên là “di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quốc gia”. Nhưng, suốt 37 năm qua, những gì cần quan tâm về di tích này vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết…
Những phát hiện vô giá
Ngay sau cuộc thăm dò đầu tiên, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh (nay là Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) đã mở những cuộc thám sát mang tính chuyên môn cao hơn tại Cát Tiên. Các nhà khảo cổ học đã hết sức vui mừng khi phát hiện tiếp khu di tích nằm ở Dốc Khỉ thuộc xã Quảng Ngãi. Đây là nơi đầu tiên xuất lộ một khu phế tích đền đài hoành tráng. Cùng đó, trên đỉnh núi cao là dấu tích một đền thờ có kiến trúc gạch hình ovan, 8 m x 13 m. Trên sáu ngọn núi nhỏ đều có dấu hiệu của những kiến trúc gạch. Giữa các đền, tháp được nối liền với nhau bởi sàn gạch phẳng đã bị phù sa phủ lấp và thời gian làm cho hoang phế. Nhiều phiến đá lớn có đục mộng, đục lỗ làm bệ tượng, một cột đá có khắc 8 cánh sen và 2 linga cực lớn… nằm rải rác trên bề mặt di tích.
Tượng thần Uma được phát hiện tại khu di tích Cát Tiên. |
Tiếp đó, trong nhiều năm liền, đặc biệt là sau khi tiến hành Dự án điều tra cơ bản và khai quật di tích khảo cổ học Cát Tiên, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm Khảo cổ học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức 7 lần khai quật. Dưới lòng đất Cát Tiên ngàn đời ngủ yên đã xuất lộ dần những di vật vô cùng quý giá. Suốt dọc bờ bắc sông Đồng Nai chiều dài gần 20 km, một quần thể di tích dần dần hiện ra. Đó là hàng chục ngôi đền tháp, đền mộ lớn nhỏ hoàn toàn khác nhau về chi tiết nhưng lại hòa quyện trong kiểu dáng, vươn lên trong một không gian huyền diệu, thể hiện một thế giới tâm linh bí ẩn, kỳ vĩ. Đó là vô vàn những hiện vật quý báu: những cặp ngẫu tượng linga - yoni, biểu tượng của cư dân cổ xưa với tín ngưỡng phồn thực; là những bức tượng phúc thần Ganêsa, Siva, Uma… bằng chất liệu đá quý, thủy tinh và kim loại. Đặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm lá vàng và phù điêu bằng vàng với kỹ thuật vẽ nổi và khắc chìm điêu luyện. Ở trên đó là những hình ảnh chung một chủ đề tôn giáo thần bí với tín ngưỡng “thần mẹ” như thần Siva, nam thần, nữ thần…; hình ảnh các tu sĩ, vũ nữ, người dâng lễ, chiến binh…; muông thú dưới dạng vật tổ và hoa lá…
Hiện vật đĩa đồng chạm khắc được khai quật tại khu di tích Cát Tiên. |
Hiện vật phát hiện được từ di tích Cát Tiên ngày càng nhiều và phong phú. Không thể thống kê hết, chúng tôi đành dẫn lời khái quát của TS. Lê Đình Phụng: “Đây là khu di tích thu được hiện vật nhiều về số lượng, các hiện vật được chế tác từ nhiều chất liệu có giá trị nhất không những ở vùng Đông Nam Bộ mà cả vùng đất phương Nam trong lịch sử. Quy mô kiến trúc, số lượng hiện vật hoà nhập với nhau thành một thể thống nhất đã khẳng định đây là một khu di tích giữ vị trí trọng yếu trong lịch sử vùng đất phương Nam”…
Những bí ẩn chưa được giải mã
Ai là chủ nhân thực sự của di tích Cát Tiên? Di tích ra đời trong thời gian nào và thuộc phong cách nghệ thuật nào? Đó là những câu hỏi không dễ giải đáp mà đến thời điểm này tất cả cũng mới chỉ dừng lại ở những giả thiết.
Sau những phát hiện đầu tiên, các nhà khảo cổ học tại TP. Hồ Chí Minh dự đoán: Cát Tiên có thể là đô thị tôn giáo của Vương quốc Phù Nam thế kỷ 2 - 7 (sau công nguyên). GS. Hà Văn Tấn - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam thì cho rằng: “Di tích Cát Tiên là điểm quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia, nhà nước cổ đại phương Nam. Với những chứng tích và di vật từ Cát Tiên có thể khôi phục lại được giai đoạn lịch sử không thành văn mà Cát Tiên là một trung tâm chính trị, tôn giáo của một quốc gia cổ đại”. GS. Hoàng Xuân Chinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cũng nhận định: “Cát Tiên là một thánh địa. Thánh địa Cát Tiên là trung tâm chính trị, văn hóa, tôn giáo của cư dân nơi đây vào khoảng thế kỷ 9 - 10. Song Cát Tiên với những thung lũng màu mỡ ven bờ Đồng Nai đã thu hút được cư dân thời tiền sử đến khai phá…”. Còn cố GS. Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã viết: “Có thể hiểu, người Mạ đã chiếm lĩnh phần cao nguyên Lang Bian và gần như toàn bộ trung lưu sông Đồng Nai, và trước kia cả ở hạ lưu sông Đồng Nai với vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Cần Giờ… Họ làm chủ cả một khoảng rừng rậm mênh mông giữa Biên Hoà và Phan Thiết… Vào khoảng cuối thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7, họ đã thành lập một nhà nước Mạ có quan hệ một cách lỏng lẻo với các nước Chiêm Thành và Chân Lạp. Tiểu vương quốc Mạ lấy con sông Đồng Nai làm xương sống của mình. Toàn bộ cuộc sống của vương quốc này đều xoay quanh một con sông Mẹ ấy. Có thể hình dung ra một mô hình cho tiểu vương quốc Mạ và con sông Đồng Nai: bến cảng là vùng Cần Giờ, trung tâm hành chính là Biên Hòa, thánh địa là Cát Tiên…”.
Cánh đồng lúa trên triền phù sa cổ thượng nguồn sông Đồng Nai. |
Chưa phải đã hết, kết quả đợt khai quật tiếp theo sau đó lại đưa ra một cách nhìn mới, theo những gì mà TS. Đào Linh Côn và TS. Bùi Chí Hoàng (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) công bố và nhận định. Trong các đợt khai quật mới nhất, đã phát hiện một phế tích kiến trúc bằng gạch của một đền thờ có hình vuông (3,35 x 3,35 m), tiền điện xây theo hình bán nguyệt, mà theo các ông là “chưa hề thấy trước đây”. Cũng tại các lần khai quật này còn phát hiện tượng Phật cũng “chưa hề xuất hiện trong những lần khai quật trước”. Đặc biệt là một hộp kim loại hình bầu dục dài cỡ 9 x 18 cm bằng bạc trên nắp chạm một con sư tử oai vệ, rồi con dấu bằng đá có khắc chữ cổ và máng nước thiêng (somasutra)… Từ những gì đã thấy, TS. Đào Linh Côn cho rằng, ở đây có yếu tố văn hóa bên ngoài, rất giống văn hóa Lưỡng Hà. TS. Bùi Chí Hoàng thì bổ sung thêm: Những hiện vật phát hiện lần này là một bằng chứng cho thấy, cư dân chủ nhân của vùng đất Cát Tiên cổ xưa đã có sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, và khung niên đại của di tích này có thể sớm hơn, khoảng từ thế kỷ 4 - 8, so với nhận định trước đây là thế kỷ 8 - 9…
* * *
Xác định phong cách nghệ thuật, niên đại và chủ nhân của di tích Cát Tiên là một công việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tiền đề cho sự hoạch định những công việc tiếp theo. Đặc biệt, đó là yếu tố cấp thiết nhằm có cái nhìn thống nhất giúp các nhà quản lý trung ương và địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa ra phương án tốt nhất cho việc bảo vệ, tu bổ và phát huy những giá trị của di tích trên nhiều phương diện. Nói vậy, nhưng ngay cả khi các nhà khoa học chưa có cái nhìn thống nhất về những câu hỏi nêu trên thì việc bảo tồn và trùng tu di tích Cát Tiên cũng phải tiến hành. Bởi, nếu không lo sớm từ bây giờ thì mai này di tích lại thêm một lần trở thành “phế tích”. Các chuyên gia đã không ít lần nhắc nhở về những nguy cơ đối với di tích Cát Tiên, cũng là nguy cơ chung đối với nhiều di tích, danh thắng khác. Cũng may, dần dần, ý thức về giá trị của di tích Cát Tiên của người dân đã được nâng lên; chính quyền và các cơ quan chức năng cũng đã quan tâm nhiều hơn đối với công tác bảo vệ và hướng đến trùng tu di tích.
Công việc cấp thiết là cần có một quy hoạch tổng quan và chi tiết đối với khu di tích; việc khai quật, bảo vệ và tu bổ phải được tiến hành đồng thời và thực sự xuất phát từ quan điểm khoa học - đó là những yêu cầu đặt ra trong quá trình bảo tồn và tiến đến phát huy những giá trị vĩnh hằng của Di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quốc gia Cát Tiên. |
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc