Multimedia Đọc Báo in

Những người giữ nghề truyền thống ở Ea Trul

08:37, 10/11/2022

 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không ít nghề truyền thống đang dần bị mai một, lãng quên. Lo lắng nghề truyền thống của ông bà sẽ không còn, ở xã Ea Trul (huyện Krông Bông) vẫn còn nhiều nghệ nhân say mê, thiết tha và cố gắng giữ nghề...

Dẫu đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Y Dunh Hdruê (tên thường gọi là Aê Siah, ở buôn Ja, xã Ea Trul) vẫn cặm cụi đan gùi những lúc rảnh rỗi. Học đan từ nhỏ nên tay nghề ông Y Dunh rất thành thạo, nhuần nhuyễn và ông luôn xem nghề đan gùi là nghề chính của mình, dù thu nhập chẳng đáng là bao. Những chiếc gùi do ông đan bao giờ cũng bền chắc và rất đẹp nên được bà con buôn trong, làng ngoài rất ưa chuộng. Không chỉ đan gùi, ông còn đan các vật dụng thường ngày như rổ rá, nong nia; đẽo và làm những chiếc cần của các loại xà gạc, rìu truyền thống.

Gần 60 tuổi nhưng bà Blong Knul (tên thường gọi là Amí Ner, cũng ở buôn Ja) đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Được mẹ dạy dệt từ khi mới lên 10 tuổi, Amí Ner vẫn duy trì nghề đến nay không chỉ bởi bà say mê những tấm dệt với hoa văn truyền thống Êđê mà còn hy vọng rồi đây sẽ có người tiếp nối, giữ gìn để nghề truyền thống không bị mai một đi. Cứ khi nào rảnh rỗi bà lại ngồi vào khung dệt. Những tấm vải do bà dệt có hoa văn sắc sảo, mới lạ, độ khó cao nên những người yêu đồ truyền thống rất thích. Cũng từ mong muốn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình, Amí Ner đã truyền dạy nghề cho các con. Cả ba cô con gái của bà đều dệt rất thành thạo với những đường chỉ hoa văn sắc sảo, tỉ mỉ, khéo léo. Thời gian qua, Amí Ner còn tham gia dạy 5 lớp học nghề thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã trên địa bàn huyện Krông Bông. Năm 2019, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân Ưu tú’’ vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Chị H'Nhuế kiểm tra các ché rượu cần trước khi giao cho khách hàng.

Cũng như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần là nét đẹp văn hóa truyền thống gắn liền với đời sống của người Êđê. Ở các buôn trên địa bàn xã Ea Trul, nhiều người dân như chị H’Nhuế Kuan (tên thường gọi là Amí Tý, ở buôn Plum) vẫn giữ được thói quen ủ rượu cần. Vừa qua, sau nhiều thời gian ấp ủ, tìm hiểu về nhu cầu cũng như thị hiếu của người tiêu dùng rượu cần Êđê, chị H’Nhuế quyết định khởi nghiệp từ nghề truyền thống của ông bà. Được hỗ trợ 5 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Trul, chị đã hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình. Với kinh nghiệm tích lũy được, chị đã tạo ra được sản phẩm rượu cần ưng ý, ủ đúng vị truyền thống thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Hiện chị H’Nhuế đang nỗ lực giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để nhiều người biết đến hơn.

H’Diăk Ayun


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.