Multimedia Đọc Báo in

Những hạt nhân giữ nghề truyền thống ở Hòa Phú

10:39, 25/04/2019

Về xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột), gặp những người phụ nữ đang “giữ lửa” nghề truyền thống mới thấy hết được tình yêu nghề, sự nỗ lực và nỗi niềm trăn trở của họ trong việc níu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, bản sắc riêng của dân tộc giữa nhịp sống hiện đại.

Sống với nghề

Tìm đến nhà bà H’Nhé Byă (buôn Tuôr), tôi gặp lúc bà đang hoàn thành bộ áo váy cuối cùng trong tổng số 12 bộ mới nhận làm từ đầu năm, dù sức khỏe bà không còn như trước nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt dệt từng đường chỉ. Năm nay bước qua tuổi 60, nhưng bà H’Nhé đã có hơn 45 năm theo nghề dệt thổ cẩm. Bà H’Nhé nhớ lại, hơn 10 tuổi, mẹ mất đi thì bà cũng bắt đầu học dệt để tự tay làm những chiếc khăn, túi đeo và dần dần dệt những tấm áo váy, chiếc chăn cho các anh chị em trong gia đình. Không những thế, những lúc nông nhàn bà lại nhận dệt thuê cho những người dân trong buôn làng để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Cứ thế, đến nay khi không còn đủ sức khỏe để đi làm nương rẫy thì nghề dệt này lại trở thành công việc chính của bà.

Chị H'Di làm sẵn rượu cần để bán cho khách.
Chị H'Di làm sẵn rượu cần để bán cho khách.

Được biết, trong buôn Tuôr hiện giờ ngoài bà H’Nhé còn có bà H’Blơt Kpơr và bà H’Lam Ktun vẫn lưu giữ và gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Chính sự khéo léo, tỉ mẩn và sự sáng tạo nên nhiều hoa văn khác biệt đã giúp sản phẩm của họ được nhiều người trong và ngoài địa phương biết đến. Bên cạnh đó, gia đình bà H’Nhé và một số hộ dân khác trong buôn hiện vẫn giữ được những ngôi nhà dài truyền thống như để nhắc nhở con cháu về những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.

Với chị H’Di Kbuôr (buôn M’rê),  năm nay dù chỉ mới 43 tuổi nhưng ngoài việc dệt thổ cẩm chị còn gắn bó với nghề nấu rượu cần truyền thống hơn 20 năm nay. Theo lời chị kể, năm 19 tuổi, sau khi sinh con vì cuộc sống quá khó khăn nên chị bắt đầu mày mò học cách nấu rượu cần từ mẹ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Những ché rượu đầu tiên chị đem ra mời anh em họ hàng và người dân trong buôn uống thử, khi thấy mọi người khen rượu ngon thì chị mới mạnh dạn làm để bán.

Cứ thế, tiếng lành đồn xa, lâu dần nhiều người biết cũng tìm đến đặt mua, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Khi nhu cầu mỗi lúc một nhiều, chị làm sẵn đế khách cần thì có ngay.  Chị H’Di chia sẻ: “Rượu cần là một nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào Êđê, là thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ hội của mỗi gia đình, buôn làng. Do đó, việc tôi gắn bó với nghề nấu rượu cần không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn góp phần giữ nghề truyền thống của dân tộc mình”.

Trăn trở bảo tồn nghề truyền thống

Ngày nay, giữa nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê đang dần mất đi khi giới trẻ không mấy mặn mà, hứng thú học hỏi để lưu truyền. Đó cũng chính là nỗi niềm của những nghệ nhân dệt thổ cẩm ở buôn Tuôr khi mà hiện nay chỉ có lớp người già biết dệt còn lớp trẻ dường như không quan tâm. Theo bà H’Nhé, bà có 6 người con nhưng hiện không có ai biết dệt thổ cẩm, cũng như không có ai có ý muốn học để lưu giữ nghề của mẹ. Còn các cháu của bà thì mải theo đuổi việc học chữ nên cũng chẳng có thời gian để học nghề truyền thống. "Nhiều lúc tôi nghĩ, khi những người già chúng tôi mất đi sẽ chẳng còn ai biết dệt những chiếc khăn, tấm áo váy hay những chiếc túi để dùng trong mỗi dịp lễ hội của buôn làng, gia đình.

Bà H'Nhé cần mẫn dệt bộ váy áo .
Bà H'Nhé cần mẫn dệt bộ váy áo .

Dẫu biết rằng, để lo cho cuộc sống hiện nay thì việc theo nghề này không thể sống được nhưng chí ít thì lớp trẻ vẫn nên học để lưu giữ cho con cháu sau này”, bà H’Nhé trăn trở. Tương tự, cả 5 người con của chị H’Di đều không ai có ý định học nghề của mẹ. Trong buôn M’rê hiện cũng chỉ còn một vài người biết nấu rượu cần và dệt thổ cẩm.

Ông Nguyễn Văn Thanh, cán bộ văn hóa xã Hòa Phú bày tỏ: “Xã Hòa Phú có 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến nay số người biết dệt thổ cẩm và nấu rượu cần chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bởi công việc ruộng vườn, nương rẫy đã chiếm hết thời gian của họ. Mặc khác, phần lớn những người biết dệt đều đã cao tuổi, kinh tế khó khăn nên gặp nhiều trở ngại trong quá trình truyền dạy lại nghề cho con cháu; còn thế hệ trẻ thì mải lo chuyện học hành, chưa nhận thức rõ được giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc nên hầu như không biết và không quan tâm. Trong khi đó, địa phương cũng chưa có nguồn kinh phí, hoạt động nào để thực hiện công tác bảo tồn giá trị văn hóa và những nghề truyền thống này”.

Bên cạnh có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thì việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc