Sâu lắng nỗi niềm trước "thế giới vắng âm thanh"
Ghi ở lớp trẻ em câm điếc
Cô giơ tay khoát một vòng cung
Học trò viết chữ "trăng" vào vở
Cô sờ tay lên cằm các em ghi chữ "chú"
Chữ "mời" thì cô vẫy bàn tay...
Cô giáo ơi, chúng tôi đến đây
Nhìn cô giảng mà lòng xao động quá
Bàn tay cô lúc nào cũng múa
Để nói vào thế giới vắng âm thanh
Tôi lặng nhìn những con mắt long lanh
Nói bằng mắt mà nghe cũng mắt
Ngoài cửa sổ có con chim đến hót
Nhận ra mình, chim im lặng đứng nghe
Để da trời xanh biếc mê ly
Và ánh nắng ùa qua khung cửa
Một em nói điều gì tôi chẳng rõ
Liền viết vào tay "trời đẹp quá chú ơi !"
Em gật đầu cười chia hạnh phúc cho tôi
Tôi đón nhận và ngước nhìn cô giáo
Mồ hôi cô ướt đầm vai áo
Tấm bảng đen, dòng chữ trắng bồi hồi
Bỗng vọng lên lời cô nói với tôi:
"Chúng em cố gắng làm theo lời Bác
Điều mà Người suốt đời ham muốn nhất
Ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành"
Nguyễn Khoa Đăng
Bài thơ “Ghi ở lớp trẻ em câm điếc” là nỗi niềm xúc động được chưng cất thành vần điệu từ trái tim mẫn cảm của nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng. Bài thơ đánh động vào tâm hồn người đọc những cảm xúc yêu thương, quý mến, đặc biệt là tình cảm nhân văn ấm áp của cô giáo dành cho các em học sinh ở lớp học đặc biệt này.
Cô và trò Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. (Ảnh minh họa: K.Thoa) |
Có chứng kiến và trực tiếp đến những lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, chúng ta mới thấu hiểu hết sự nhọc nhằn, vất vả của thầy cô giảng dạy nơi đây. Từng động tác, cử chỉ phải chính xác thì học trò mới hiểu và ghi đúng chữ. Nhà thơ Nguyễn Khoa Đăng trong một lần đến thăm lớp học trẻ em câm điếc đã bồi hồi ghi lại cảm nghĩ của mình qua một bài thơ giản dị mà cảm động, rất đời thường nhưng chan chứa vẻ đẹp nhân văn và tình yêu sâu thẳm. Nhờ đó, lời thơ hiện lên không chỉ lung linh câu chữ, đó còn là tiếng lòng bật thốt rất tự nhiên, không gượng ép và chân thành đến rơi nước mắt: "Cô giơ tay khoát một vòng cung/Học trò viết chữ "trăng" vào vở/Cô sờ tay lên cằm các em ghi chữ "chú"/Chữ "mời" thì cô vẫy bàn tay”...
Đến thăm lớp học đặc biệt này, nhà thơ rung động trước tiên là hình ảnh cô giáo đứng lớp. Không giống như ở các trường học bình thường khác, nơi lời giảng của giáo viên thường được chú ý và khơi gợi nhiều cảm xúc, nhưng ở đây lại là động tác "lúc nào cũng múa" mới trở thành ấn tượng không làm sao quên được. Từ hình ảnh cô giáo đang ra sức truyền đạt cho các em thông qua ngôn ngữ "múa" của đôi bàn tay đến hình ảnh các em chăm chú "nói bằng mắt mà nghe cũng mắt" với ánh nhìn "long lanh", sáng trong đã truyền cảm xúc thật mạnh mẽ đến với người đọc. Nhờ đó, một không gian trời xanh nhiều ước mơ, khát vọng và tiếng chim hót ngoài khung cửa sổ là một liên tưởng thú vị xuất hiện thật tự nhiên. Những đôi mắt long lanh biết nói, những tiếng chim ríu rít ngoài kia làm sao không lay động lòng người? Người đọc nhận ra tình ý thật thẳm sâu trong nỗi niềm tác giả thông qua nghệ thuật ẩn dụ để truyền tải một thông điệp đầy nhân văn về tình yêu cuộc sống, về tình thương sẽ nâng cánh cho cuộc đời tươi đẹp và sáng trong hơn. Hình tượng bầu trời "xanh đến mê ly" và ánh nắng cứ thế miên man lan tỏa qua khung cửa sổ đã khiến tâm hồn chúng ta ngân nga một cảm xúc chan chứa tình đời, tình người: “Để da trời xanh biếc mê ly/Và ánh nắng ùa qua khung cửa/Một em nói điều gì tôi chẳng rõ/Liền viết vào tay "trời đẹp quá chú ơi!".
Một lần nữa, như để khắc họa đậm nét hơn hình tượng người giáo viên, nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa đã chú ý đến vẻ đẹp giảng dạy của cô giáo qua những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo, chính điều ấy càng làm sáng lên chân dung người giáo viên tha thiết với nghề. Hơn cả những giọt mồ hôi lao động nhọc nhằn và vất kia kia, đó là cả tâm tình yêu thương, tấm lòng mến yêu đối với trẻ em khuyết tật: “Em gật đầu cười chia hạnh phúc cho tôi/Tôi đón nhận và ngước nhìn cô giáo/Mồ hôi cô ướt đầm vai áo/Tấm bảng đen, dòng chữ trắng bồi hồi”.
Tư tưởng tác phẩm được nâng lên ở những dòng thơ cuối bài đã biểu đạt nỗi niềm thán phục của tác giả về sự lao động cần cù, sự nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua hình tượng cô giáo trong sự nghiệp giảng dạy và đào tạo con người. Đó cũng chính là niềm ham muốn, khát khao tột bậc của Bác Hồ từ thuở ra đi tìm đường cứu nước: “Bỗng vọng lên lời cô nói với tôi/"Chúng em cố gắng làm theo lời Bác/Điều mà Người suốt đời ham muốn nhất/Ai cũng có cơm ăn, ai cũng được học hành".
Bài thơ hay ở ngôn ngữ mộc mạc, ý tứ chân thành, cảm xúc mãnh liệt từ hiện thực đời sống dội vào tác phẩm. Chính tình cảm thương yêu và những khát vọng hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà của người giáo viên sẽ là động lực để thế hệ trẻ vươn lên trong cuộc sống, nhất là những em học sinh thiếu may mắn trong cuộc đời.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc