Thấm đẫm tinh thần nhân văn văn học Nga Xô viết
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, vào trước những năm 90 của thế kỷ 20, bên cạnh nền văn học cách mạng Việt Nam, văn học Nga Xô viết đã để lại những dấu ấn đậm nét đối với bao người dân Việt Nam lúc bấy giờ về một nền văn học thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng vào thời điểm đó, mỗi khi có đợt sách từ Liên Xô (cũ) đưa về thì cửa hàng sách luôn đông nghịt người xếp hàng đợi mua, nhất là những tác phẩm văn học Nga Xô viết. Chưa nói về nội dung, chỉ nhìn về hình thức, các cuốn sách bao giờ cũng rất bắt mắt, bìa cứng, giấy trắng tinh, chữ nghĩa rõ ràng, kèm theo một dây lụa màu đỏ dùng để đánh dấu trang. Hầu như cuốn sách nào ngay trang đầu tiên luôn có dòng chữ: Bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Cầu Vồng, in tại Liên Xô. Phải nói rằng, đây là thương hiệu nổi tiếng, khẳng định giá trị của những cuốn sách, tác phẩm văn học Nga xuất bản tại Liên Xô lúc bấy giờ đối với người Việt Nam. Sách in đẹp, trang nhã, nhưng có lẽ là do có sự hỗ trợ, nên giá bán rất rẻ, tưởng như cho không, giúp độc giả Việt Nam có dịp tiếp cận với nền văn học Nga Xô viết.
Ảnh minh họa |
Nhiều người yêu sách chắc hẳn trong trí nhớ của mình vẫn còn lưu lại bao nhiêu tác phẩm văn học Nga Xô viết nổi tiếng như: Chiến tranh và hòa bình (L.Tolstoy); Những đốm lửa (Korolenko); Chuyện sông Đông, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Số phận một con người, Họ chiến đấu vì Tổ quốc (M.Solokhov); Xibiri (G.Markôp); Không chốn nương thân (I.Avigiux); Người mẹ (M.Gorki); Thép đã tôi thế đấy (Ostrovski); Truyện một người chân chính, Những người Xô viết chúng ta (B. Polevoi); Daghestan của tôi (R.Gamzatov); Bến bờ (I. Bondarev); Trên mảnh đất người đời (K.Ivanov); Và nơi đây bình minh yên tĩnh (Vaxiliev); Bài ca núi Anpơ (V.Bưkov)…
Qua những tác phẩm, văn học Nga Xô viết đã khắc họa đậm nét nhiều sự kiện lịch sử nổi bật của đất nước Liên Xô từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Đó là cuộc nội chiến khốc liệt khi đất nước Nga Xô viết còn non trẻ, với bao thế lực thù trong giặc ngoài; công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với sự đấu tranh quyết liệt giữa cái cũ, lạc hậu và cái mới trong tiến trình xây dựng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới; cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với hình ảnh những chiến sĩ Hồng quân bằng tinh thần thép cùng với các tầng lớp nhân dân đã ngoan cường, anh dũng chiến đấu và chiến thắng phát xít Đức, giải phóng thế giới khỏi họa phát xít trong thế chiến thứ hai…
Đặc biệt, có những tác phẩm văn học đã thắp lên bầu nhiệt huyết của thanh niên Việt Nam và trở thành cẩm nang gối đầu giường như: Thép đã tôi thế đấy, Đội cận vệ thanh niên, Trong chiến hào Stalingrad, Hãy làm quen với Baluiep… Bao thế hệ trẻ Việt Nam lúc đó đã trưởng thành, với những cuốn sách gối đầu giường dạy cách biết sống thẳng ngay, biết thương yêu, biết căm ghét, biết vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả.
Vào những năm đó, văn học Nga Xô viết đã chinh phục bao thế hệ người Việt Nam. Bằng tình cảm với quê hương Cách mạng Tháng Mười, với đất nước của Lênin và bằng sự xuất sắc của nền văn học với nhiều tác giả, tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả, trong lòng tất cả những ai yêu văn học luôn in đậm về hình bóng một vài nhân vật hay tác phẩm văn chương Nga Xô viết. Tình cảm mến yêu, khâm phục đất nước Nga Xô viết và Cách mạng Tháng Mười vĩ đại của bao người Việt Nam một phần lớn được nhen nhóm, bồi đắp cũng chính từ những tác phẩm văn học này.
Mạnh Hùng
Ý kiến bạn đọc