Đặc sắc tranh vẽ về voi trong kho tàng thư tịch cổ
Voi là loài vật hoang dã sớm được con người thuần dưỡng để phục vụ cho cuộc sống. Đề tài về voi và cuộc sống con người luôn hấp dẫn các họa sĩ từ cổ chí kim và họ đã để lại cho đời sau những bức tranh có giá trị tư liệu lịch sử và nghệ thuật tạo hình.
Nhiều bức tranh vẽ voi có giá trị lịch sử được lưu giữ tại một số nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha... Tại Trung Quốc đang lưu giữ kiệt tác có tên là “Trúc lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ”.
Đây là bức tranh cuộn khá dài vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông tu ở Đông Vũ Lâm xuống núi để sang Yên Tử hành đạo. Bố cục bức thư họa gồm hai trường đoạn: Trường đoạn 1: Trúc Lâm đại sĩ xuống núi và Trường đoạn 2: Nghi lễ đón tiếp của Hoàng triều Trần.
Họa cảnh đáng chú ý là con voi trắng theo đoàn tùy tùng. Voi chở kinh Phật, trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ với đôi ngà cong dài, các dải ruy băng trang trí gắn các hạt châu, hoa cúc. Trên đỉnh đầu voi trắng có gắn hình hoa sen cách điệu và chạm mặt trời. Lưng voi phủ thảm Ba Tư, trên đặt bành voi hai tầng, chạm khắc trang trí hình rồng, các giao điểm ruy băng gắn hoa cúc to treo 37 chao lông, lục lạc, chuông đồng trông rất mỹ lệ.
Theo nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ, cách trang trí thời Trần mang đặc điểm mỹ thuật Đại Việt phong cách Nam Á, rất giống với trang trí voi truyền thống Thái Lan, Lào, Miến Điện. Cũng với chủ đề về Phật hoàng Trần Nhân Tông còn có bức tranh kính diện tích 316 x 28 cm, được thực hiện vào khoảng năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Họa cảnh nổi bật trong tranh là con voi trắng chở kinh, phía trước voi có người đội mũ vàng.
Bức tranh “Ngày Tết ở Phú Xuân” miêu tả cuộc đấu voi và hổ trước kinh thành Huế đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu |
Thế kỷ 16, 17, 18, nhiều họa sĩ từ các nước phương Tây như Bỉ, Hà Lan, Italy và Manili đã đến Đàng Ngoài để thăm thú và vẽ tranh. Họ đã vẽ lại cảnh sinh hoạt Thăng Long (Kẻ Chợ, Đông Kinh). Trong các tác phẩm hội họa của người phương Tây về kinh thành Thăng Long luôn xuất hiện voi và ngựa. Đặc biệt trong bức tranh miêu tả đám tang của vua Lê, tác giả của bức tranh ấy đã thể hiện một đoàn voi hùng dũng dẫn đầu đoàn người đưa tiễn vị hoàng đế về thế giới của các vị tiên đế. Hay bức tranh vua Lê đi vi hành, voi dẫn đầu đoàn tùy tùng.
Ở Đàng Trong, các thương nhân Nhật Bản đến mở thương quán ở Hội An để làm ăn, buôn bán đã sáng tác hai bức tranh cuộn (emaki) có tiêu đề: “Chaya Shinroku Kochi toko zukan” (Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ) và “Shuin-sen Kochi toko zukan”. Bức tranh “Chaya Shinroku Kochi toko zukan” (kích cỡ 71,8 x 511,8 cm) được vẽ vào thế kỷ 17 hiện đang lưu trữ tại chùa Jomyo-ji ở thành phố Nagoya (Nhật Bản). Họa cảnh trong bức tranh chính là Dinh trấn Thanh Chiêm nằm ở địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ngày nay. Tranh miêu tả một dinh phủ nguy nga ở ven sông có lũy tre cùng các dãy súng thần công bảo vệ, có quan binh và voi chầu bên ngoài. Tác phẩm hội họa quý giá này đã được phục chế và đang trưng bày ở Bảo tàng Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Một phần bức tranh cuộn miêu tả hai con voi do họa sĩ Nhật Bản vẽ vào thế kỷ 19. Ảnh tư liệu |
Ở Nhật Bản còn có ba bức tranh vẽ voi: Bức thứ nhất có tên là “Yonoe maki mono”, là tranh cuộn với kích cỡ 487 x 27,5 cm do họa sĩ Nhật Bản Ogata Tanko vẽ vào thế kỷ 19. Trong tranh này có vẽ một con voi trắng (bạch tượng). Voi trắng được người Nhật coi là loài voi hiếm, là linh thú nên rất quý trọng. Bức thứ hai được vẽ vào tháng 6 năm Kyoho thứ 13 (1728) vẽ một con voi màu xám đang ở bên dòng suối. Bức thứ ba cũng vẽ chú voi màu xám, được vẽ vào tháng 6 năm Kyoho thứ 13. Những tranh vẽ này là tư liệu độc bản, riêng bức tranh cuộn “Yonoe maki mono” đã được công nhận là Tài sản văn hóa quan trọng của tỉnh Osaka.
Bên cạnh những bức tranh có hình tượng con voi Đại Việt lưu giữ ở nước ngoài, còn có nhiều bức tranh cổ vẽ voi hiện hữu ở Việt Nam. Đó là những bức tranh vẽ voi trong dân gian qua nhiều thời kỳ và tranh vẽ voi ở chốn cung đình thời các vua chúa triều Nguyễn ở Phú Xuân, Huế. Tranh dân gian có nhiều bức vẽ Hai Bà Trưng trên lưng voi phất cờ khởi nghĩa chống quân Nam Hán; Bà Triệu mang guốc ngà, cưỡi voi trắng chống quân Ngô. Bức tranh “Ngày tết ở Phú Xuân” mô tả chi tiết một lễ hội được tổ chức vào dịp Tết vào đầu thế kỷ 20 ở Huế. Tâm điểm của bức tranh là cuộc đấu giữa voi và hổ. Hay một bộ tranh quý về triều Nguyễn do Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào tháng 12/1902, đúng 100 năm ngày vua Gia Long khai sinh vương triều Nguyễn. Đây là bộ tranh phản ánh tường tận và miêu tả chi tiết lễ phục tế Nam Giao của vua quan, tôn thất, binh lính, đặc biệt là trang phục, trang sức cho voi, ngựa tham gia phục vụ tế lễ dưới triều Nguyễn. Trong bộ tranh đó có bức vẽ hình con voi có phủ bành bằng vải màu vàng, thêu hình viên long; một người quản tượng mặc áo màu đỏ tía cưỡi trên đầu voi.
Cùng với những bức ảnh, những bức tranh vẽ liên quan đến con voi trong tài liệu thư tịch cổ là di sản tư liệu quý giá về lịch sử và nghệ thuật. Nhiều bức tranh cổ đã được sưu tầm, bảo quản, phục chế để phục vụ in ấn, xuất bản, lưu giữ và trưng bày tại các bảo tàng trong và ngoài nước.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc