Multimedia Đọc Báo in

Mùa Xuân về trên điệu ca quan họ

17:25, 23/01/2023

Xa quê hơn 40 năm nay, nhưng người dân gốc Kinh Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang) sinh sống, lập nghiệp ở xã Ea Toh (huyện Krông Năng) vẫn lưu giữ gần như vẹn nguyên những làn điệu dân ca quan họ của quê hương.

Tây Nguyên những ngày giáp Tết khá lạnh, song trong căn nhà của anh Nguyễn Kim Trường (SN 1971, thôn Tân Hiệp, xã Ea Toh) vẫn ấm cúng khi có gần 20 thành viên Câu lạc bộ (CLB) hát quan họ cùng chuyện trò, hát đối đáp giao duyên.

Anh Trường là Chủ nhiệm CLB và là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào hát quan họ. Anh cho biết, thôn Tân Hiệp có 150 hộ với hơn 500 nhân khẩu, trong đó gần 50% là người dân xứ Kinh Bắc vào lập nghiệp từ những năm 1980. Khi mới vào đây lập nghiệp, sau những giờ làm việc vất vả, tối đến những người trong thôn tụ họp tại nhà một ai đó trò chuyện, hát hò để vơi đi nỗi nhớ quê hương.

Liền anh, liền chị đối đáp giao duyên dưới gốc đa làng.

Đến năm 2006, với mong muốn gìn giữ, phát triển làn điệu quan họ - nét đẹp văn hóa của vùng Kinh Bắc, UBND xã Ea Toh thành lập CLB Hát quan họ thôn Tân Hiệp. Khi mới thành lập, CLB chỉ có 6 cặp (12 người), đến nay đã có hơn 20 thành viên, đủ lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau, nhưng có chung tình yêu, niềm đam mê với những làn điệu dân ca quan họ. Anh Trường chia sẻ: “Chúng tôi từ nhỏ đã được nghe hát quan họ, thành thử cái duyên quan họ đã ngấm vào máu. Ban ngày, chúng tôi đều bận việc nương rẫy nên tranh thủ ban đêm tập luyện các tiết mục quan họ. Chúng tôi đặt mua trang phục từ tỉnh Bắc Ninh gửi vào với giá khoảng 1,2 triệu đồng/bộ. Nhà nào cũng có một dàn karaoke để luyện hát quan họ…”.

Để tập được một bài hát quan họ nhuần nhuyễn phải mất nhiều thời gian. Ban đầu, mọi người phải nghe nghệ sĩ hát qua băng đĩa, rồi chép lời học thuộc lòng, vừa nghe sao cho “thấm” nhạc nền. Đến khi tập hát thì trong đầu tưởng tượng ra nhạc, rồi cứ thế hát theo cho khớp. Có khi học xong một bài quan họ mất cả tháng trời hoặc có thể lâu hơn.

Những ngày cuối năm, đang là ngày mùa thu hoạch cà phê nhưng tranh thủ lúc rảnh các liền anh, liền chị cùng nhau luyện tập để tham gia các hội diễn văn nghệ thôn xóm, làng xã khi đất trời vào Xuân. Có dịp, nhìn các liền anh mặc áo the khăn xếp, trên tay cầm ô đen, còn các liền chị với áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón quai thao, cơi trầu têm cánh phượng đứng hát đối đáp giao duyên dưới gốc đa tỏa bóng mát trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn phần nào gợi lại không gian sinh hoạt văn hóa quan họ xưa.

Vợ chồng anh Lê Đình Quang và chị Nguyễn Thị Hồng đều cùng tham gia Câu lạc bộ hát quan họ.
 

“Làn điệu dân ca quan họ vốn dễ hát, rất gần gũi với cuộc sống đời thường, tựa lời tâm tình sâu lắng, có sức lan tỏa đến mọi người ở mọi nơi”.

Anh Nguyễn Kim Trường, Chủ nhiệm CLB Hát quan họ thôn Tân Hiệp (xã Ea Toh, huyện Krông Năng)

Anh Lê Đình Quang, thành viên CLB cho biết: “Cả tôi và vợ đều tham gia CLB, chúng tôi mong muốn thể hiện tình yêu với quan họ, qua đó góp phần giữ gìn nét đặc trưng văn hóa quê hương cũng như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các thành viên trong CLB đều tích cực học hỏi, nâng cao vốn quan họ như tham gia học các bài mới dựa trên làn điệu cổ. CLB đã giành nhiều giải thưởng từ các cuộc thi và giao lưu hát quan họ từ thôn tới tỉnh.

Xã Ea Toh có 3.087 hộ, 15.120 khẩu, với 9 dân tộc cùng chung sống. Trên địa bàn xã có hai CLB hát quan họ. Chủ tịch UBND xã Ea Toh Nguyễn Hồng Lĩnh tự hào: “Dân ca quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009. Những làn điệu quan họ được người dân xứ Kinh Bắc mang theo trên hành trình di cư được giữ gìn và phát triển trên quê hương mới vừa làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của địa phương, vừa kéo mọi người lại gần nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc…”.

Những câu hát dân ca quan họ như “dòng sữa” trong lành nuôi dưỡng tâm hồn của những người con xa quê lâu năm. Qua bao thăng trầm của thời gian, những làn điệu dân ca quan họ vẫn hiển hiện trong đời sống của người dân Kinh Bắc nói riêng và trong tiềm thức của những người yêu quan họ nói chung. Với mỗi người dân Kinh Bắc, mùa Xuân sẽ nhạt phai nếu vắng điệu ca quê hương...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.