Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn văn hóa qua lễ hội nông sản

08:13, 18/01/2023

Với thế mạnh về nông nghiệp, Đắk Lắk đã và đang trở thành điểm đến với các lễ hội nông sản. Từ các lễ hội, nét đặc trưng văn hóa của vùng đất Tây Nguyên được lan tỏa và trở thành một dấu ấn khó quên đối với du khách.

Cho đến nay Đắk Lắk đã tổ chức thành công 7 lần Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột và Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I. Các kỳ lễ hội đều in đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên, mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Tại các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch luôn tạo điểm nhấn níu chân du khách. Ngay từ lễ hội lần đầu tiên vào năm 2005, cùng với việc quảng bá thương hiệu cà phê của vùng cao nguyên với du khách trong nước và quốc tế, đã diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện đại, kết hợp với truyền thống văn hóa Tây Nguyên và văn hóa đặc thù riêng của tỉnh Đắk Lắk dưới nhiều hình thức phong phú.

Ở những kỳ lễ hội sau, hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhưng vẫn trên cơ sở tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống. Trong kỳ lễ hội lần thứ 6 năm 2017, điểm nhấn là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, nhằm tôn vinh, bảo tồn Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với đó là hàng loạt sự kiện quảng bá văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên như: Lễ hội đường phố, Lễ hội đua voi và thuyền độc mộc, Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên… mang đến cho mọi người cảm nhận mới lạ về vùng đất cao nguyên hùng vĩ với truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng, độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt 5 tỉnh Tây Nguyên.

Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” đã có rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, như lễ hội đường phố với những màn trình diễn đỉnh cao khơi dậy cảm xúc và kết nối trái tim du khách từ trong đến ngoài nước; là chương trình phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cho thấy nét đẹp văn hóa, sự tự hào về những di sản độc đáo; đây còn là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sĩ thể hiện tài năng, góp phần gìn giữ và lan tỏa tinh thần văn hóa Tây Nguyên.

Người dân tham gia diễu hành Lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I - năm 2022.

Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I - năm 2022 diễn ra nhiều hoạt động nhằm quảng bá văn hóa, du lịch địa phương như lễ hội đường phố, ngày hội văn hóa các dân tộc, bay khinh khí cầu, tham quan Khu di tích lịch sử Đồn điền CADA... Lễ hội đường phố đã toát lên nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em không chỉ ở các tiết mục đan xen, tiếp nối kéo dài suốt tuyến đường trung tâm thị trấn Phước An, mà còn ở sự hưởng ứng tích cực của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên cùng sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân đến từ các huyện trên địa bàn tỉnh. Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc cũng góp phần giới thiệu, tôn vinh nét đẹp văn hóa đặc trưng của huyện Krông Pắc qua hoạt động hát dân ca, chế tác nhạc cụ truyền thống, biểu diễn trang phục truyền thống, ẩm thực... Nhờ vậy mà lễ hội đã mang đến cho người dân và du khách những cảm xúc thú vị về sự đa dạng sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, từ những màn biểu diễn nghệ thuật dân gian mang đậm dấu ấn các dân tộc Tây Nguyên, hay nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc phía Bắc, đến những màn nhảy múa hiện đại, biểu diễn hóa trang rực rỡ sắc màu...

Có thể nói, lễ hội của mặt hàng nông sản cũng chính là lễ hội văn hóa, lễ hội của những người dân sinh sống trên mảnh đất này. Thông qua việc giới thiệu sản phẩm, người dân thể hiện niềm tự hào về mảnh đất quê hương, nơi có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa; tự hào về những con người đưa nông sản lên một tầm cao mới; tự hào về nền văn hóa giàu bản sắc, sự đoàn kết của 49 dân tộc anh em; về lịch sử đấu tranh dân tộc và những di sản lưu truyền ngàn đời...

Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hữu Hùng

Hiện công tác chuẩn bị cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra vào đầu tháng 3 năm 2023 đang được triển khai với sự vào cuộc của cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê, chính quyền địa phương cùng đông đảo người dân. Chị Nguyễn Thị Trang (Công ty TNHH Một thành viên Vic Coffee) cho hay: “Chúng tôi mong chờ một lễ hội với nhiều điều thú vị. Công ty đang chuẩn bị kỹ lưỡng về chất lượng, số lượng sản phẩm, không gian để đón những vị khách tham gia lễ hội thưởng thức cà phê một cách trọn vẹn nhất”. Huyện Buôn Đôn cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2023 và Hội voi Buôn Đôn, trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Cà phê lần thứ 8 - năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như Liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ; Hội thi đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc; dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên... với sự tham gia, phối hợp của nhiều tổ chức, lực lượng và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Tất cả những điều đó sẽ góp phần làm nên thành công cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, lễ hội của nhân dân và những dấu ấn khó phai.

Sau cà phê, sầu riêng, nhiều nông sản khác cũng sẽ có cơ hội lên một tầm cao mới. Cùng với đó, văn hóa cũng sẽ có những sự thăng hoa mới, mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho cộng đồng, xã hội.

Mai Thanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.