Multimedia Đọc Báo in

Huyền sử Thiên Mụ tự

19:44, 01/01/2023

Kinh đô Huế, nơi lưu giữ văn vật của các đời chúa Nguyễn, vua Nguyễn; nơi lưu giữ trọn vẹn nhất hồn sắc của văn hóa dân tộc trong suốt một thời gian dài. Trong đó, chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi gắn liền với tín ngưỡng Phật giáo được ví như linh hồn của mảnh đất này...

“Đệ nhất cổ tự” xứ Huế

Chùa Thiên Mụ được xây dựng dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào năm Tân Sửu (1601), nằm trên đồi Hà Khê (cách trung tâm thành phố 5 km về hướng Tây, nay thuộc phường Kim Long, TP. Huế).

Chùa nhiều lần được trùng tu, sửa chữa qua các đời chúa Nguyễn; năm 1710, chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho đúc Đại hồng chung nặng đến 2 tấn có khắc bài minh trên đó. Bốn năm sau (1714), lại cho đại trùng tu chùa với hàng chục công trình kiến trúc hết sức quy mô như điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu tàng kinh, phòng tăng, nhà thiền…

Chúa Quốc còn cho người sang Trung Quốc mua hơn 1.000 bộ kinh Phật đưa về đặt ở lầu tàng kinh, khắc bia trên lưng một rùa đá ghi rõ sự tích Hòa thượng Thạch Liêm, người có công lớn giúp chúa Nguyễn chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.

Tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ.

Đến triều Tây Sơn, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung (1788), chốn linh thiêng này được vua Quang Trung chọn làm nơi tế đất khi kéo quân ra Bắc diệt quân Thanh. Sau khi vương triều Tây Sơn sụp đổ, vương triều Nguyễn quan tâm hơn chốn tôn nghiêm này. Năm 1844, nhân dịp lễ mừng “bát thọ” của bà nội mình là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu - vợ vua Gia Long, vua Thiệu Trị đã cho xây thêm một ngôi tháp bát giác trước chùa gọi là Từ Nhân (sau đổi tên là tháp Phước Duyên) cao 21 m, gồm bảy tầng và dựng hai tấm bia ghi lại việc dựng tháp, đây được xem là biểu tượng của Thiên Mụ tự. Năm 1862, vua Tự Đức - vị vua tại vị lâu nhất của triều Nguyễn (1848 - 1883) cho rằng đã lâu vua không có con là do trời phạt, nên ra lệnh cấm, không được phạm vào mấy chữ thiên, địa, tiền tổ nên đổi tên thành Linh Mụ tự, tuy nhiên sau một thời gian người dân địa phương lại gọi đúng tên xưa. Trận bão năm 1904 đã tàn phá nặng nề ngôi chùa này, đình Hương Nguyên bị sụp đổ hoàn toàn, đến năm 1907 vua Thành Thái cho xây dựng lại nhưng không to lớn như trước.

Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng, ngôi chùa với kiến trúc cổ kính đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm quyến rũ, linh thiêng, huyền ảo. Cho đến nay, chùa Thiên Mụ vẫn xứng danh “đệ nhất cổ tự” đất thần kinh, thu hút đông đảo du khách thập phương đến vãn cảnh.

Và những huyền sử

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, ngôi chùa Thiên Mụ vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, với nhiều câu chuyện tâm linh đầy huyền bí. Hai huyền sử liên quan đến Thiên Mụ tự là chuyện về tên gọi của ngôi chùa và câu chuyện “Oán tình duyên”.

Chùa Thiên Mụ nhìn từ trên cao.

Trong cuốn sách “Nguyễn Phúc tộc thế phả” trang 106, NXB Thuận Hóa có ghi: “Khi Ngài dạo xem hình thế núi sông, thấy giữa đồng bằng xã Hà Khê (Hương Trà, Thừa Thiên) nổi lên một gò cao như hình đầu rồng quay lại, phía trước nhìn ra sông lớn, phía sau có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Ngài nghe dân địa phương kể lại rằng, xưa có người đêm thấy một bà già áo đỏ, quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói sẽ có một vị chân chúa đến xây chùa để tụ linh khí, cho bền long mạch”. Vì thế khi xây dựng ngôi chùa, chúa Nguyễn Hoàng đã gọi tên chùa Thiên Mụ (Bà già trên trời). Trong “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (các bản dịch của Bùi Lương, NXB Văn hóa Á châu, Sài Gòn; Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên, NXB KHXH, Hà Nội 1997) đã ghi năm 1553, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) có một ngôi chùa trên đồi Hà Khê, xã Giang Đạm, huyện Kim Hà, đây là ngôi chùa của người Chăm và không hề nhắc đến “Bà lão trên trời” nên có thể huyền thoại “thiên mụ” là do Nguyễn Hoàng hoặc các mưu sĩ của ông nghĩ ra có chủ đích, là mưu đồ trong việc an dân trị nước, cũng là thủ thuật về chính trị nhiều nhà sáng nghiệp xưa nay vẫn sử dụng để chiếm lòng người trong việc dựng nghiệp. Huyền thoại “thiên mụ” vẫn là huyền thoại, nhưng Nguyễn Hoàng đúng là một vị “chân chúa” bởi công lao của ông vô cùng to lớn trong sự nghiệp khai khẩn, mở đất phương Nam sau này.

“Oán tình duyên” là câu chuyện gắn liền với Thiên Mụ tự, được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều đời, một sự tích thần bí mà những người lớn tuổi thường dặn con cháu không nên dẫn người yêu của mình đến vãn cảnh nơi này, sẽ khó thành duyên vợ chồng. Chuyện kể rằng, ở vùng đất này xa xưa có một đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng chàng trai mồ côi, nhà nghèo, không môn đăng hộ đối, không có vật chất cho sính lễ nên không thể kết hôn với cô tiểu thư khuê các lầu son. Thề non hẹn biển trong sự cấm đoán và phản đối kịch liệt của nhà gái, oan trái, nghiệt ngã, quá đau khổ cả hai cùng gieo mình xuống dòng Hương trước Thiên Mụ tự, tìm hạnh phúc ở xứ “thênh thang cuối trời”, nhưng chỉ có chàng trai lặng lẽ về phía bên kia, còn cô gái dạt vào bờ được một người chài lưới cứu sống. Sau đó, gia đình đã ép cô gái lấy một người giàu có. Thời gian qua đi đã làm cho cô gái dần quên chuyện xưa, còn chàng trai chờ mãi người yêu mà không thấy, chàng đã căm hận nhập vào chùa Thiên Mụ, nguyền rằng bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây thì tình yêu sẽ đổ vỡ, chia tay. Dù có nhiều cách giải thích khác nhau của các nhà sư cũng như các nhà nghiên cứu Huế học, vì mục đích gìn giữ tôn nghiêm chốn cửa Phật nhưng lời nguyền trong huyền thoại ấy vẫn cứ được truyền đời này qua đời khác khiến chùa Thiên Mụ thêm linh thiêng và huyền bí.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.