Multimedia Đọc Báo in

Ngàn xưa lưu dấu

08:54, 26/01/2023

Rời quê hương đến vùng đất mới tạo dựng cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp từ hàng chục năm qua, những người con dân tộc Nùng ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) vẫn động viên, nhắc nhở nhau giữ phong tục, truyền thống của cha ông; góp phần tô điểm bức tranh văn hóa các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.

Mỗi năm, khi mùa Xuân đến, những người con dân tộc Nùng lại xúng xính trong sắc màu trang phục truyền thống rủ nhau trẩy hội Hảng Pồ để giao lưu, vui chơi, chúc nhau những điều tốt đẹp.

Ông Viễn (bên trái) chia sẻ những vật dụng truyền thống của dân tộc Nùng mình còn lưu giữ.

Đau đáu tình yêu và niềm tự hào về văn hóa dân tộc, ông Tô Văn Viễn vẫn nhớ những kỷ niệm khi lần đầu tiên chính quyền xã Ea Siên tổ chức lễ hội Hảng Pồ với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến tham gia. Thường cứ đến ngày 28 tháng Giêng khi ngoài quê hương Cao Lộc (Lạng Sơn) vào hội thì ở Ea Siên người dân cũng tụ tập theo từng nhóm nhỏ để cùng vui hội. Năm 2011, từ ý tưởng và nguyện vọng của người dân về khôi phục và tái hiện lễ hội Hảng Pồ, chính quyền xã Ea Siên đã cùng bắt tay tổ chức ngày hội với quy mô lớn hơn và rộng hơn, được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Ông Viễn cũng là người tái hiện, phục dựng lại lễ cưới truyền thống của người Nùng từ việc chuẩn bị trang phục đến các lễ nghi bắt buộc. Trong lễ đón dâu, ông mối sẽ phải đối đáp bằng lối hát sli với nhà gái để xin rước cô dâu về. Ngay sau các nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời cùng thưởng thức sản vật núi rừng, mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một gia đình mới…

Trẻ em dân tộc Nùng háo hức vui hội Hảng Pồ.

Trẩy hội Hảng Pồ cũng là dịp để nghe, để hát sli. Ông Hứa Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát sli thôn 3 chia sẻ, sli là lối hát dân ca đối đáp giữa các bên nam nữ. Nội dung của những câu hát có thể là lời hỏi thăm, làm quen; về tình yêu đôi lứa; học tập các kỹ thuật, phương pháp làm ăn giữa các bản làng; tình yêu quê hương, đất nước... Để cuộc hát kéo dài, hai bên đều phải khéo léo, đưa ra lời hát sắc sảo để đối đáp, như vậy mới có thể hát mà không biết chán; cũng bởi vậy mà nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng từ những câu hát sli.

Với bà Chu Thị Phóng (thành viên CLB Hát sli thôn 1B), năm nào bà và nhiều chị em khác trong thôn cũng rủ nhau đi hội Hảng Pồ. Ở đó, mọi người lại lập đội để hát đối đáp với nhau. Trong đó, nhóm nữ thường nghĩ ra những làn điệu, câu hát khó, đối đáp không dễ dàng. Ngược lại, phía nhóm nam cũng tìm lời, luyện giọng đối sao cho hay, cho hợp. Cuộc vui cứ kéo dài đến tận khuya mà ai cũng dùng dằng không muốn dứt.

Hiện nay, trên địa bàn xã Ea Siên đã thành lập được 7 CLB hát sli tại 7/8 thôn. Đó là nơi để mọi người cùng nhau tâm tình, giao lưu sau những ngày làm việc vất vả hay mỗi khi nông nhàn; đồng thời, thắt chặt tình đoàn kết, lưu giữ mạch nguồn văn hóa dân tộc cũng như để vơi bớt nỗi nhớ quê hương, người thân khi xa xứ.

Đã qua rồi cái thời mới vào sinh sống, lập nghiệp phải ăn bữa nay lo bữa mai; bây giờ cuộc sống vật chất, tinh thần của người Nùng ở xã Ea Siên đang từng ngày thay đổi. Khi mùa Xuân đến, ngày hội gần kề, các chàng trai, cô gái Nùng lại mang theo sắc áo chàm, áo xanh tụ họp cùng nhau cất lời sli đối đáp, giao duyên trên quê hương mới Ea Siên.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.