Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn vốn quý văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên

08:23, 26/02/2023

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: Êđê, M’nông đã tạo ra một nền văn hóa phong phú và đặc sắc, được thể hiện một cách sinh động, sáng tạo thông qua ngôn ngữ, trong hoạt động, trong hành vi giao tiếp, được kết tinh trong các truyền thuyết, sử thi, phong tục, tập quán, lối sống và các loại hình nghệ thuật. Các di sản văn hóa này cần được bảo tồn, phát triển.

“Co dần về văn hóa”

Có một thực tế đó là các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của người Êđê, M’nông đang bị mai một nghiêm trọng. Hệ thống các hoạt động văn hóa cổ truyền vốn hoạt động theo thời vụ cây lúa trên nương rẫy, theo vòng đời con người, theo tập tục cổ truyền cũng dần biến đổi và mất mát đi rất nhiều.

Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các nhạc cụ bằng tre, nứa, bầu, sừng trâu đang đứng trước nguy cơ biến mất vì không còn điều kiện và môi trường để “sống”. Có lúc, có nơi, cồng chiêng không còn được coi là vật thiêng, của quý của tổ tiên, ông bà để lại và cũng không còn là nhạc khí dân gian chủ đạo trong đời sống tinh thần của người dân. Lớp nghệ nhân đánh cồng chiêng và tu sửa chiêng hầu hết đã lớn tuổi, dần dần qua đời mà không truyền dạy được bao nhiêu cho con cháu về các bài chiêng.

Đồng bào các dân tộc Êđê, M’nông đã tạo ra một nền văn hóa phong phú và đặc sắc.

Trong các buôn làng, số nghệ nhân biết hát dân ca, biết đánh cồng chiêng và những người có khả năng đứng ra tổ chức lễ hội còn rất ít. Những sử thi hùng tráng cũng không còn được coi là món ăn tinh thần quý báu của đồng bào. Các tín ngưỡng dân gian cổ truyền mang tính nhân văn sâu sắc như quan niệm vạn vật hữu linh, tục thờ cúng ông bà, tổ tiên... dường như bị mai một đi khá nhiều. Đặc tính nhân văn trong vốn văn hóa cổ truyền, tính thiêng và đời sống tinh thần của người Êđê, M’nông ngày càng mất dần, không còn phong phú, đa dạng như xưa kia...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, một phần là do thời gian, còn phần lớn là do chính ý thức chủ quan của con người. Thực tế, trong xu thế hội nhập, sự giao lưu giữa các nền văn hóa hiện đại thì việc tác động, ảnh hưởng sâu sắc đối với văn hóa truyền thống của người Êđê, M’nông là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, các thế lực thù địch đã lợi dụng tín ngưỡng của một bộ phận đồng bào để lôi kéo, xúi giục bỏ đi các giá trị truyền thống. Không ít người rất yêu thích và tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng do đã theo một tôn giáo khác nên khiến họ dè dặt, miễn cưỡng trong việc bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa của cha ông để lại.

 Mặc dù ngành văn hóa đã có nhiều việc làm, đầu tư khá lớn để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhưng xem ra vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thật sự gắn bó chặt chẽ với đời sống tinh thần, tín ngưỡng, vật chất của đồng bào.

Thực trạng “co dần về văn hóa” đang diễn ra hằng ngày, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì không xa nữa văn hóa truyền thống của đồng bào sẽ không còn là một thực thể sống động và mất dần bản sắc. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần phải làm gì để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào Êđê, M’nông nói riêng? 

Cần vào cuộc đồng bộ

Trong bối cảnh đó, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa 3 di sản: Khan (Sử thi) của người Êđê; Lời nói vần của người Êđê; Lễ mừng thọ của người M’nông tỉnh Đắk Lắk vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không những là niềm tự hào đối với đồng bào các dân tộc mà còn là hành lang pháp lý để tỉnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Thực hiện quyết định nói trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 3/2/2023 về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Truyền dạy đánh chiêng cho các bạn trẻ để lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hoàng Gia

Cụ thể, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu, tỉnh, các cấp, các ngành tổ chức phục dựng, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch; truyền dạy và đưa hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các nhà trường; hỗ trợ chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa và các chủ thể văn hóa (nghệ nhân, người có uy tín...). Đồng thời, xây dựng các hành trình kết nối di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về giải pháp, các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa cồng chiêng nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán các hiện vật liên quan đến di sản. Cấp tỉnh mở các lớp truyền dạy về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ít nhất mở 1 lớp/năm), nhằm khơi gợi lòng đam mê và xây dựng đội ngũ kế cận đảm bảo có sự kế thừa và phát huy di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện bảo tồn, phát huy di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi năm, các địa phương tổ chức ít nhất từ 1 đến 2 lớp truyền dạy đánh chiêng, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn; tổ chức phục dựng, tái hiện ít nhất 1 nghi lễ, lễ hội/năm liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với xây dựng các mô hình điểm, các địa phương cần thường xuyên tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch văn hóa, nhất là tham gia các cuộc liên hoan cấp tỉnh, cấp khu vực. Hằng năm, tỉnh, các địa phương có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, những người nắm giữ di sản nhằm tạo điều kiện duy trì tập luyện, tham gia các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh khuyến khích, động viên các già làng, người có uy tín phát huy vai trò, các địa phương tích cực vận động xã hội hóa và tăng cường nguồn lực đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho nhà văn hóa cộng đồng nhằm hỗ trợ có hiệu quả việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng, thi trình diễn trang phục truyền thống trong các trường học, nhất là các trường dân tộc nội trú và bán trú cần được tổ chức để sinh viên, học sinh các cấp có thể trải nghiệm, tự hào về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc